Tài chính

Doanh nghiệp sản xuất xe máy điện hưởng thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0% trong 5 năm đầu

(VNF) - Theo Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất xe máy điện (không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) của dự án đầu tư thuộc danh mục địa bàn có kinh tế khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo quy định tại Khoản 13 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Doanh nghiệp sản xuất xe máy điện hưởng thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0% trong 5 năm đầu

Doanh nghiệp được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0% để sản xuất xe máy điện trong 5 năm đầu.

Tổng cục Hải quan vừa có hướng dẫn trả lời vướng mắc của Cục Hải quan Hải Phòng về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu liên quan đến việc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất xe máy điện.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại Khoản 13 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Việc miễn thuế nhập khẩu quy định tại khoản này không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; dự án sản xuất sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, theo quy định tại Điều 2 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt thì xe máy điện không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Với những quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan cho biết trường hợp VinFast nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất xe máy điện (không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) của dự án đầu tư thuộc Danh mục địa bàn có kinh tế khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo quy định tại Khoản 13 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Theo số liệu từ Cục Thuế TP. Hải Phòng, trong năm 2018, khối FDI của Hải Phòng nộp ngân sách 3.965 tỷ đồng (vượt gần 2% dự toán). Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và là đơn vị duy nhất có số thuế nộp “nghìn tỷ” tại Hải Phòng trong năm 2018 là VinFast với tổng số thuế hơn 1.209 tỷ đồng.

4 doanh nghiệp trong nước khác có số thuế nộp từ 500 tỷ đồng trở lên gồm: Công ty xăng dầu khu vực III (Công ty TNHH Một thành viên) với số thuế nộp là hơn 629 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Hải Phòng với gần 583,5 tỷ đồng; Công ty TNHH thuốc lá Hải Phòng gần 544,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Hải Phòng hơn 537,7 tỷ đồng.

Theo thông tin mới nhất của Cục Thuế Hải Phòng, tính đến hết ngày 31/12, tổng thu ngân sách nội địa toàn thành phố đạt 24.768 tỷ đồng, đạt 108,7% dự toán pháp lệnh; 100,2% dự toán HĐND thành phố. Tính riêng trong tháng 12, Cục Thuế đã thu nộp vào ngân sách nhà nước 4.454 tỷ đồng, con số này gấp đôi số thu của một tháng có số thu cao nhất từ trước tới nay.

Tin mới lên