'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Từ người lính trở thành doanh nhân
Doanh nhân Lê Văn Kiểm, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn KN (KN Investment Group), được biết đến như là một điển hình khởi nghiệp đi lên từ hai bàn tay trắng.
Sinh năm 1945 tại Huế, ông Kiểm lớn lên trong giai đoạn kháng chiến của đất nước. Năm 4 tuổi, ông đã mồ côi cha (liệt sỹ Lê Văn Lân) và theo mẹ lên vùng chiến khu sinh sống. Trong thời gian là du học sinh miền Nam trên đất Bắc, cậu học trò Lê Văn Kiểm đã cùng người bạn đời sau này, nữ sinh Trần Cẩm Nhung, phấn đấu thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng khi đó. Sau tốt nghiệp đại học, dù được đặc cách là con trai một gia đình liệt sỹ, ông vẫn viết tâm thư bằng máu tình nguyện vào chiến trường B2.
Sau ngày giải phóng, dù nhiều khó khăn, trọng trách đè nặng lên vai nhưng ông lại một lần nữa vượt khó để vươn tới. Quyết bán đi cơ nghiệp duy nhất là chiếc xe gắn máy với giá 1.000 USD, ông chính thức khởi nghiệp làm ăn từ năm 1978.
Ban ngày hai vợ chồng ông hoàn thành nhệm vụ của người công chức, tối đến lại chạy máy sản xuất thức ăn gia súc. Nhờ cần cù chịu khó, ông có khởi đầu kinh doanh thuận lợi, mang lại nguồn thu khá lớn cho gia đình.
Vốn có bản chất sáng tạo cùng niềm đam mê khám phá, thời cơ đến với ông khi trong một buổi dã ngoại, nhờ những tia lửa và tiếng nổ “lép bép” bắn ra khi nướng khoai, ông phát hiện ra tinh dầu hạt cao su.
Sau thời gian mày mò nghiên cứu, hai vợ chồng ông áp dụng dầu hạt cao su vào sản xuất sơn, hơn nữa còn ứng dụng được bã cao su sau khi ép tinh dầu trở thành loại phân bón rất tốt cho cây trồng. Từ đó cơ sở ép hạt cao su lấy dầu của gia đình ông đã phát triển nhanh chóng. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ đến đó, không kịp cung ứng cho thị trường.
Dấu ấn đất nước đổi mới năm 1986 đã giúp doanh nhân Lê văn Kiểm thành lập Công ty TNHH Huy Hoàng (sau là Công ty Cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng), một trong những công ty tư nhân ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Từ đây, với sự tập trung đầu tư cho dây chuyền và thiết bị, Công ty Huy Hoàng đã trở thành doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có quy mô lớn và hiện đại nhất cả nước, là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được phép xuất khẩu trực tiếp hàng may mặc ra nước ngoài.
Có thể nói, giai đoạn 1987 – 1996, tên tuổi của doanh nghiệp Huy Hoàng cũng như doanh nhân Lê Văn Kiểm trở thành hiện tượng, một thương hiệu uy tín không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khắp châu Âu.
Hoạt động tài chính và bất động sản
Khi tên tuổi của doanh nhân Lê Văn Kiểm đã định hình trên thương trường, ông mở rộng hoạt động sang lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, xây dựng nhà cửa với hàng chục dự án được triển khai, có dự án vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.
Năm 1993, ông cùng một số cổ đông tham gia thành lập Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh Việt Nam (VP Bank). Có số vốn góp lớn nhất, ông được bầu làm phó chủ tịch HĐQT VP Bank. Năm 1994, ông tham gia thành lập Ngân hàng thương mại Cổ phần châu Á Thái Bình Dương (AP Bank) cũng với vốn cổ đông lớn nhất và được bầu làm chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Đây cũng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Vào thời điểm đó, nhiều dự án khách sạn, khu công nghiệp, khu nhà ở, khu du lịch mang tên Huy Hoàng đều có mặt ở TP. HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh thành khác trên cả nước.
Bất ngờ, cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế châu Á năm 1996 – 1997 đã quật ngã rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty Huy Hoàng. Hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy, hàng chục triệu USD tiền hàng không được thanh toán, toàn bộ tài sản của ông và gia đình rơi vào trạng thái đóng băng…
Trước nguy cơ phá sản, ông Lê Văn Kiểm đã quyết định gửi tâm thư đến những vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước, đề xuất cách xử lý những khoản nợ. Và ánh sáng cho hành trình mới đã được mở ra với Công ty Huy Hoàng.
Việc cho phép thí điểm giãn nợ để củng cố sản xuất, đồng thời không hình sự hóa những khó khăn của doanh nghiệp bởi hoàn cảnh khách quan trong quá trình sản xuất kinh doanh, đã giúp Công ty Huy Hoàng trả hết số nợ đọng, cả gốc và lãi, chỉ sau 3 năm, duy trì ổn định công ăn việc làm cho hơn 2.000 công nhân công ty.
Cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từng chia sẻ: “Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế châu Á thập kỷ 90 của thế kỷ XX, doanh nghiệp của hai em Kiểm – Nhung gặp rất nhiều khó khăn với khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, hai em đã ý thức được trách nhiệm và với ý chí, nghị lực của mình, các em đã vượt qua khó khăn, tránh thất thoát cho nhà nước hơn 500 tỷ đồng. Những cố gắng đó của hai em đã góp một phần thực hiện thành công chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta lúc đó là: không hình sự hóa những doanh nghiệp gặp khó khăn do hoàn cảnh khách quan đem lại”.
Đất nước dần đổi mới và hội nhập, doanh nhân Lê văn Kiểm bằng tài năng và kinh nghiệm đã tiếp tục có bước đi khác lạ: kinh doanh sân golf! Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành ra đời khi đó được xem là bước đột phá của ông trong lĩnh vực hoàn toàn mới.
Được mở rộng tới 1.200ha, sân golf Long Thành sớm được ông phát triển thành khu đô thị nghỉ dưỡng thể dục thể thao – du lịch sinh thái với hàng nghìn biệt thự, các siêu thị, hệ thống trường học, bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng cao cấp…
Ngày nay, với mô hình quản lý cấp tập đoàn (KN Investment Group), ông cùng gia đình đã xây dựng thành công một “đế chế” đa ngành nghề, nổi bật trong lĩnh vực khai khoáng, năng lượng tái tạo và bất động sản với các dự án: đặc khu kinh tế Long Thành – Viên Chăn (600ha), điện mặt trời KN Vạn Ninh, điện mặt trời KN Cam Lâm, khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise (800ha), các khu căn hộ cao cấp The Vista An Phú, Vista Verde, Feliz en Vista, Waterina Suites…
Không chỉ là người thành công trên thương trường, doanh nhân Lê Văn Kiểm còn nhận được sự kính nể khi ông luôn quan niệm sự thành đạt chính là cơ hội giúp ông và gia đình đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng xã hội.
Từ những hoạt động từ thiện như: mổ mắt đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, mổ tim cho trẻ em nghèo bệnh tim bẩm sinh, xây dựng trường học, trạm xá… đến những chương trình lớn cấp quốc gia như: gây quỹ vaccine Covid-19 (500 tỷ đồng), tổ chức giải golf từ thiện (gây dựng quỹ 10 triệu USD), tham gia các hoạt động trong và ngoài nước ở những nơi bị thiên tai như: Việt Nam, Lào, Campuachia, Cuba, Thái Lan, Nhật Bản… (tổng số tiền hơn 30 triệu USD).
Ông Bill Gates, người sáng lập và cựu chủ tịch Microsoft, đã nhận xét khi nhận cam kết đóng góp 5 triệu của USD doanh nhân Lê Văn Kiểm vào sáng kiến quỹ y tế Việt Nam: “Cam kết của ông Kiểm là một ví dụ đầy cảm hứng về ảnh hưởng của hoạt động từ thiện trong việc đảm bảo mọi người đều có cơ hội sống, một cuộc sống mạnh khỏe và hữu ích”.
Với tầm nhìn và những nghĩa cử cao đẹp, năm 2020, doanh nhân Lê Văn Kiểm cùng phu nhân Trần Cẩm Nhung đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông cho biết: “Hơn 40 năm làm doanh nhân, chúng tôi đã qua nhiều thăng trầm nhưng đã vượt qua tất cả, đặc biệt qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 và 2008… Được nhận danh hiệu cao quý này là niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình chúng tôi”.
Cuộc đời của doanh nhân Lê Văn Kiểm là điển hình về ý chí kinh doanh, không bao giờ vơi cạn khát vọng, là người truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.