Doanh nhân Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty TNG: Ra biển lớn để vẫy vùng trên 'đại dương xanh'
Thủy Nguyễn -
21/04/2019 22:58 (GMT+7)
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG có nhiều gương mặt mới. Họ là những nhà đầu tư nước ngoài đã đặt niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của TNG dưới bàn tay chèo lái của doanh nhân Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty.
Cú đúp giải thưởng
“Có hay không có vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thì TNG đều đề cao minh bạch nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nguyên tắc này được thống nhất và thực thi xuyên suốt quá trình Hội đồng Quản trị xây dựng định hướng chiến lược ngắn, trung và dài hạn của TNG”, ông Nguyễn Văn Thời mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư khi được thông báo TNG đạt cú đúp giải thưởng “Doanh nghiệp niêm yết được quản trị tốt nhất” và “Doanh nghiệp có báo cáo thường niên xuất sắc nhất 2018” tại Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do HOSE, HNX, Dragon Capital và Báo Đầu tư thực hiện.
Chịu khó học hỏi và rất mê việc chọn lọc áp dụng các phương thức, công cụ quản trị hiện đại trên thế giới vào TNG, sự quyết liệt của ông Thời ngày nào đang cho quả ngọt.
Năm 2018, TNG đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 3.613 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng 45% và 57% so với năm trước. Năm 2019, Hội đồng Quản trị TNG đề xuất kế hoạch doanh thu 4.154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng và ông Thời tự tin sẽ thực hiện được kế hoạch ấy.
Cho đến thời điểm này, TNG đã ký kết các hợp đồng đủ đơn hàng cho đến tháng 9/2019. Nếu duy trì được tốc độ như hiện nay, vị Chủ tịch Công ty cho rằng, năm 2019, TNG có thể cán đích doanh thu 4.500 tỷ đồng.
Ngoài các khách hàng hiện hữu như ZARA, MANGO, GAP, CK, Decathlon, The Children’s Place…, gần đây, TNG nhận được nhiều đề nghị hợp tác mới. Công ty đã mở rộng hợp tác với các khách hàng như G-III (Mỹ), IMPERAL (Canada), CHOIS (Hàn Quốc). Theo chia sẻ của ông Thời, đơn hàng từ Mỹ và Canada rất nhiều, làm không xuể, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may như TNG chọn lọc khách hàng đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Hai khách hàng lớn nhất của TNG là Decathlon và The Children’s Place (TCP) đang chiếm khoảng 66,5% giá trị đơn hàng, trong đó Decathlon chiếm 40%. TNG đã chủ động giảm đơn hàng từ những đối tác nhỏ, có biên lợi nhuận thấp và nhận thêm đơn hàng từ đối tác lớn.
Decathlon (Pháp) là một trong 20 nhà phân phối hàng đầu thế giới, chọn lựa đối tác vô cùng khắt khe. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay ở Việt Nam, chỉ có TNG ở miền Bắc và 1 doanh nghiệp ở phía Nam đáp ứng được các yêu cầu của tập đoàn này. Làm việc với Decathlon, doanh nghiệp phải có khả năng minh bạch tuyệt đối bởi họ kiểm soát rất chặt chẽ chi phí và định mức giá thành.
Vui vì doanh nghiệp có đơn hàng, nhưng cổ đông sẽ càng vui hơn khi trong các hợp tác mới, TNG đã chuyển dần sang phương thức FOB, tức là trực tiếp tìm kiếm nguyên liệu phục vụ sản xuất và bàn giao thành phẩm. Bởi vậy, biên lợi nhuận gộp sẽ cao hơn, dự kiến có thể đạt tới 25%.
Ông Thời cho biết, TNG được quản trị theo hệ thống ERP, nên kiểm soát được tỷ lệ chi phí trong giá thành. Từ tháng 1/2019, Công ty đã kiểm soát tốt chi phí để lợi nhuận trên doanh thu cải thiện, cao hơn 5%.
Cuộc cách mạng “vượt qua chính mình”
Nhưng không dễ để doanh nghiệp có được những kết quả như hôm nay. Việc áp dụng những cách làm mới, những thông lệ quản trị hiện đại, với doanh nhân Nguyễn Văn Thời và TNG là một cuộc cách mạng “vượt qua chính mình”, khi phải thay đổi những lề lối làm việc tưởng như đã ăn sâu vào mỗi người và không thể bứt ra được. TNG có một may mắn, đó là có người chèo lái doanh nghiệp dám thay đổi và thay đổi mạnh mẽ mỗi ngày.
Minh bạch và áp dụng công nghệ triệt để trong sản xuất - kinh doanh, trong hệ thống tài chính, kế toán, nên TNG có thể hạch toán và có báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh theo tháng. Chỉ tiêu được giao cụ thể đến từng bộ phận, tất cả cán bộ quản lý đều giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh, từng người chịu trách nhiệm cụ thể về chỉ tiêu doanh thu, giá vốn, lãi gộp, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và kiểm soát chỉ số lợi nhuận.
TNG đã thay Ban Kiểm soát trực thuộc Đại hội đồng cổ đông bằng Ủy ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng Quản trị, tập trung vào tiền kiểm, kiểm tra trong quá trình sản xuất. Ủy ban Kiểm toán rà soát, nhận diện rủi ro, kiểm soát lại các hành động để giảm thiểu rủi ro. Đặc biệt, đây là một trong rất ít doanh nghiệp đã ban hành được chính sách Whistle blowing (hệ thống báo cáo sai phạm) hiệu quả để gia tăng minh bạch và tập trung kiểm soát chi phí.
Mạnh về nội lực, khi “đại dương xanh” cho các doanh nghiệp dệt may rộng mở đến từ các FTA thế hệ mới, ông Thời và các cộng sự đã tự tin bước vào những trận đánh lớn. Tại Đại hội đồng cổ đông 2019, Hội đồng Quản trị TNG đệ trình kế hoạch đầy tham vọng: tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận đạt 15%/năm trong vòng 5 năm tới, cao hơn gấp rưỡi so với mục tiêu tăng trưởng 10%/năm trước đây.
Đến lúc này, mới thấy con mắt tinh đời của các nhà đầu tư nước ngoài khi tin tưởng và chọn đồng hành cùng TNG. Còn nhớ, bên lề Lễ ký kết hợp đồng phát hành trái phiếu chuyển đổi 200 tỷ đồng cho Quỹ đầu tư Asam Việt Nam hồi tháng 9/2018, ông Hubert Kim, Tổng giám đốc Asam Việt Nam, công ty quản lý quỹ chuyên quản lý vốn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đã trả lời báo giới rằng: “Doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng 10%/năm, nhưng theo khảo sát của Asam, TNG có khả năng tăng trưởng ít nhất 20% trong năm tới”. Thời điểm Asam quyết định bỏ vốn vào TNG, giá cổ phiếu TNG mới đạt 12.000 - 13.000 đồng/cổ phần, nay là trên 22.000 đồng/cổ phần.
Muốn vẫy vùng trên “đại dương xanh”
Hiện TNG sở hữu 11 chi nhánh may, 2 chi nhánh sản xuất hàng may mặc phụ trợ với tổng số 220 chuyền may. Công ty đặt mục tiêu tăng lên 250 chuyền may vào năm 2020, giảm tỷ trọng hàng CMT (thuần túy gia công), tăng tỷ trọng FOB, từ đó cải thiện biên lãi gộp. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang phát triển thêm mảng ODM (tự thiết kế và sản xuất) với thương hiệu TNG Fashion có biên lãi gộp cao, khoảng 30-40%.
Chia sẻ về kinh nghiệm tạo ra tốc độ tăng trưởng đột phá trong năm 2018 và khả năng duy trì phong độ trong năm 2019 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Thời cho biết, TNG đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh chi tiết, giao cho các tổ sản xuất; thuê chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là tạo động lực cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư máy móc, thiết bị mới hiện đại như máy trải vải tự động, máy nhồi lông vũ tự động, máy lập trình tự động, máy in bao bì tự động, máy in vải tự động…
Dù Thái Nguyên là nơi có nhiều đại gia thế giới và doanh nghiệp trong nước đặt cứ điểm sản xuất, tạo ra áp lực cạnh tranh dữ dội trong thu hút nhân công, nhưng môi trường làm việc tốt, chính sách phúc lợi cho công nhân ưu việt đã giúp TNG luôn vượt trội trong lĩnh vực này. Năm 2018, TNG đã tuyển dụng tới gần 2.400 lao động. Đây cũng là các giải pháp mà Công ty tiếp tục phát huy trong năm 2019, đồng thời triển khai thêm nhiều công cụ quản trị mới để tiếp tục gia tăng hiệu quả hoạt động của Công ty.
Kết thúc quý I/2019, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, triển vọng năm 2019 và các năm tới là khả quan, nhưng không vì thế mà ông Thời và các cộng sự thỏa mãn và chủ quan.
Ông Thời chia sẻ, kế hoạch tăng trưởng 15%/năm đến năm 2024 thực sự là những thách thức lớn, đòi hỏi ông và TNG phải tiếp tục thay đổi, công phá những bức tường thành trì trệ trong mỗi người, giải phóng những nguồn lực tăng trưởng mới còn nằm đâu đó ở TNG. Với chiến lược đầy tham vọng đó, ông luôn mong muốn có thêm những nguồn lực cộng hưởng, để cùng đưa TNG vươn xa, vẫy vùng trên “đại dương xanh”.
“Nếu có cổ đông nào làm tốt, tôi sẵn sàng mở rộng cửa để họ vào làm”
TNG là một trong những công ty thực hiện việc nới room ngoại lên 100% sớm nhất trên thị trường chứng khoán. Hỏi ông Thời rằng: “Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện việc nới room do e ngại bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, e ngại bị mất quyền lực, ông có lo không?”, ông mỉm cười đầy hào sảng: “Tôi vẫn bảo với các con tôi, nếu có cổ đông nào làm tốt, làm giỏi, tôi sẵn sàng hợp tác, mở rộng cửa để họ vào làm. Nếu doanh nghiệp có lợi nhuận cao, trả cổ tức mỗi năm 20-25%, thì tôi có gì phải luyến tiếc, cứ để họ làm, mình sẽ có thời gian cho đam mê trên các sân golf”.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.