Doanh nhân Phạm Hồng Điệp: 'Kinh doanh trên đất – trả lại cho đất'
(VNF) - Với triết lý “kinh doanh trên đất – trả lại cho đất”, doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec đã viết nên hành trình về phát triển khu công nghiệp sinh thái trên chính mảnh đất quê hương của mình.
- Chủ tịch Shinec Phạm Hồng Điệp tham gia HĐQT SAM Holdings 12/04/2023 05:42
Tâm huyết với giải pháp sinh thái
Cách đây chừng hơn 5 thập kỷ, trong một xóm nghèo ở làng Phục Lễ, người dân ven bờ sông Cấm quen nằm lòng dáng vẻ một cậu bé gầy nhẳng, đen đúa. Ngày qua ngày, cậu bé đó đi nhặt vỏ chai, giấy sắt vụn, về đổ cho các bà đồng nát, để tự lo việc học, vừa phụ giúp bố mẹ đắp đổi mưu sinh.
Lớn lên, cậu bé gầy gò ngày nào tiếp tục việc học và học, kể cả khi đã trở thành lãnh đạo. Vòng quay ấy không ngừng nghỉ chỉ với một tâm huyết duy nhất là gieo ước mơ và thực hiện việc phát triển khu công nghiệp sinh thái trên chính quê hương mình.
Người vẽ nên ước mơ đó không ai khác chính là doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Với triết lý “kinh doanh trên đất – trả lại cho đất”, ông đã tạo ra các công trình cảnh quan, cây xanh và tổ chức nhiều hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường ý nghĩa góp phần phủ lên màu xanh thời đại mới. Nhưng ít ai biết rằng, để có được một khu công nghiệp Nam Cầu Kiền như ngày hôm nay, đó là cả một hành trình dài đầy vất vả, gian nan.
Chúng tôi gặp doanh nhân Phạm Hồng Điệp vào một ngày cuối tháng 9/2024 sau cơn bão số 3 (Yagi). Trong căn phòng nhỏ nằm giữa khu vườn Nhật Kyo-sei-no-niwa, thuộc khuôn viên của khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã được nghe doanh nhân Phạm Hồng Điệp tâm sự về hành trình gieo ước mơ của mình. Trong hành trình ấy chỉ có chuyện cây cối, chuyện môi trường và hiển nhiên không một lần nhắc đến cá nhân mình cho đến khi chúng tôi gặng hỏi.
Trong kí ức của doanh nhân Phạm Hồng Điệp, có lẽ ngày 26/11 của gần 23 năm về trước là một ngày “định mệnh” khi Công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Shinec chính thức có quyết định thành lập. Ông Phạm Hồng Điệp khi mới qua tuổi 35 đã gánh trên mình vận mệnh và sứ mệnh mới của cuộc đời.
Doanh nhân Phạm Hồng Điệp nhớ lại, khi lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chủ trương thành lập doanh nghiệp cổ phần có vốn chi phối nhà nước, ông đã không đắn đo mà nhận ngay. Để Shinec có hình hài, việc được ký quyết định thành lập vào ngày 26/11 là thứ đầu tiên mà ông đã xin. Ông cũng xác định, một hành trình mới sẽ bắt đầu và chính ông phải bất khuất để đi hết bước trường chinh cam go, vinh quang và trang nghiêm nhất ấy.
Khi Shinec mới hoạt động khoảng 5 năm, doanh nhân Phạm Hồng Điệp đạt giải nhất cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ môi trường toàn quốc”. Sau 3 năm: 2004, 2005, 2006 được giải nhất về môi trường, năm 2008 doanh nhân Phạm Hồng Điệp vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư động viên. Xúc động trước những lời dặn dò tâm huyết trong thư, ông Phạm Hồng Điệp đã xin gặp Đại tướng. Lời căn dặn “phát triển đất nước phải gắn với bảo vệ môi trường” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại cuộc gặp gỡ đó đã thôi thúc ông thực hiện bằng được dự án về khu công nghiệp sinh thái trên chính quê hương mình. Làm giàu từ đất thì phải trả lợi lại cho đất, vì thế ông quyết tâm thực hiện bằng được khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền.
Nói là làm, chiến dịch “56 ngày đêm” vượt nắng thắng mưa cũng bắt đầu. Chỉ sau 56 ngày, Nam Cầu Kiền đã khép lại cánh cửa thập niên cũ và nhận nhiều kỷ lục Guinness Việt Nam. Doanh nhân, luật sư Phạm Hồng Điệp nhận 1 kỷ lục và được Liên đoàn Các nhà sáng tạo thế giới trao đĩa vàng vì những đóng góp to lớn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bởi trên mênh mông đất trống ấy, ngoài 167,19 ha đưa vào xây dựng công nghiệp, thì còn lại trên 40% đất được dùng cho công viên cây xanh, đất công cộng, hạ tầng và giao thông. Khu công nghiệp không khác gì một vườn bách thảo mọc lên giữa núi đồi Thủy Nguyên với đủ loại vườn lan, vườn hồng, vườn Nhật Kyousei-no-niwa và nhiều hồ nước. Đặc biệt, khu vườn Nhật Kyo-sei-no-niwa - nơi giao thoa kinh tế, văn hóa, giáo dục và tình hữu nghị Việt – Nhật được quy hoạch lại chính là khu xử lý nước thải công nghiệp.
Khu công nghiệp sinh thái – lá chắn xanh cho cộng đồng
Đến Nam Cầu Kiền hôm nay, ít ai ngờ vùng đất hoang phía nam sông Bính ngày nào đã trở thành một khu công nghiệp xanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TP. Hải Phòng. Và những người đã từng gặp doanh nhân Phạm Hồng Điệp đều nhận ra một điều rằng, ông là người tâm huyết với giải pháp sinh thái, là người xác định xây dựng môi trường đầu tư xanh, thân thiện môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững.
Rời căn phòng nhỏ khu vườn Nhật, ông Điệp dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Khi chúng tôi hỏi thăm tình hình về thiệt hại sau cơn bão số 3, ông Điệp vội tâm sự: “Trong khu công nghiệp chủ yếu là cây cối gãy đổ, còn các nhà máy chỉ bị thiệt hại cục bộ, nhưng không lớn, không quá ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Chỉ mất 2-3 ngày sau bão, các doanh nghiệp trong đây đã hoạt động trở lại bình thường”.
Phóng tầm mắt ra xa, nhìn những hàng cây xanh đang vươn lên xanh tốt trong khu công nghiệp sau khi chịu những cơn cuồng phong của bão số 3, chúng tôi như thấy được hình dáng của một người thuyền trưởng đầy tâm huyết, can đảm và tự tin khi dám một mình đi trên con đường mà có lẽ những người bình thường không ai dám thử.
Rồi ông Điệp lại tiếp chuyện, mục tiêu mà Nam Cầu Kiên đặt ra đến năm 2030 là phải thực hiện bằng được “rezo carbon”. Chính vì vậy, trong năm 2024, bên cạnh việc khu công nghiệp đã đạt tỷ lệ diện tích cây xanh là 31%, xây dựng được các chuỗi cộng sinh công nghiệp thì sẽ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, đạt “net-zero” về chất thải, kiểm kê phát thải khu công nghiệp… Đến năm 2025, Nam Cầu Kiền sẽ tham gia thí điểm thị trường carbon, đạt mục tiêu giảm 50% tổng lượng phát thải và triển khai chính thức tuần hoàn nước thải.
“Với sự phát triển không ngừng của xã hội, các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên như nấm. Sự phát triển đó kéo theo hệ lụy là sự hủy hoại môi trường tự nhiên, tình trạng ô nhiễm liên tục gia tăng vượt tầm kiểm soát. Sự ô nhiễm xuất hiện ở khắp nơi, khắp vùng miền khiến tôi luôn trăn trở và quyết tâm tìm tòi, học hỏi tìm ra bằng được giải pháp để phát triển một cách bền vững. Theo lộ trình đến năm 2030, chúng tôi sẽ số hoá dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi xanh, sử dụng công nghệ IoT (Internet of Thing – Internet vạn vật) hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính và quan trọng là đạt mục tiêu net- zero phát thải”, ông Điệp tâm sự.
Có lẽ với tư duy đi trước, đón đầu, doanh nhân Phạm Hồng Điệp chính là người đi tiên phong trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Và quyết tâm ấy của ông còn luôn rực cháy qua các tác phẩm thi ca và âm nhạc. Những lời ca, tiếng hát được doanh nhân Phạm Hồng Điệp gửi gắm qua từng nốt nhạc dường như chính là bản nhạc cuộc đời ông với nhiều nốt trầm bổng tinh tế, nhịp nhàng và đầy yêu thương, mang theo khát vọng xây dựng một khu sinh thái đầu tiên do người Việt đầu tư.
Khát vọng của vua thép Trần Đình Long
- Bản sắc Phạm Nhật Vượng 13/10/2024 08:30
- Nữ tỷ phú và ước mơ kết nối Việt Nam với thế giới 13/10/2024 11:00
- Doanh nhân Đặng Khắc Vỹ: 'Cắm cờ' trên đất ngoại, về nước dựng nhà băng 13/10/2024 04:00
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.