Doanh nhân Trần Bá Dương: ‘Sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa ô tô lên 40%’

Yến Thanh - 26/03/2018 08:25 (GMT+7)

(VNF) - Doanh nhân tỷ phú Trần Bá Dương nói Thaco sẽ quyết tâm "thay đổi về chất", tiến tới sản xuất các loại ô tô với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 40%

VNF

Như VietnamFinance đã đưa tin, ngày 25/3/2018, tại KCN cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải thuộc Khu KTM Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã tổ chức Lễ khánh thành nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda.

Đây không chỉ là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á mà còn là minh chứng cho khát vọng xây dựng tổ hợp ô tô của Việt Nam đã được doanh nhân Trần Bá Dương ấp ủ từ lâu và đang từng bước hiện thực hóa.

Theo doanh nhân Trần Bá Dương, từ nhiều năm trước Thaco đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững với định hướng là trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành của Việt Nam mang tầm khu vực ASEAN, trong đó sản xuất kinh doanh ô tô là chủ lực, có quy mô và từng bước cạnh tranh được trong khu vực.

Trong kế hoạch này, sẽ tập trung đầu tư phát triển Khu công nghiệp ô tô Chu Lai – Trường Hải như là Trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô tại Quảng Nam - miền Trung theo hướng hiện đại.

Sau nhiều năm phát triển và tích lũy, chuẩn bị đủ các nguồn lực, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Nam ngày 26/3/2017, Thaco và UBND tỉnh Quảng Nam đã ký "Thỏa thuận đầu tư cho chu kỳ mới của Thaco tại Khu kinh tế mở Chu Lai".

Theo thỏa thuận này, một trong những nội dung chính yếu là Thaco sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô gồm: xe tải, xe bus, xe con, xe chuyên dụng, nhà máy sản xuất máy nông nghiệp và tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và tổ chức sản xuất theo tinh thần của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%.

Cũng trong ngày hôm đó, Thủ tướng đã phát lệnh khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda công suất 100 ngàn xe/năm với vốn đầu tư 12 ngàn tỷ đồng. Và chỉ sau đúng 1 năm xây dựng và lắp đặt thiết bị, hôm nay, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn một với công suất 50 ngàn xe/năm, và đã giải ngân 7.000 tỷ đồng từ vốn của Thaco.

Nhà máy Thaco Mazda được quy hoạch trong phân khu các nhà máy lắp ráp ô tô thuộc Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải. Nhà máy có diện tích 30,3 ha trong đó 17,3 ha nhà xưởng. Nhà máy được chuyển giao công nghệ hoàn toàn mới với tiêu chuẩn cao cấp hơn của Tập đoàn Mazda nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng của sản phẩm thế hệ mới của Mazda toàn cầu theo hướng ít tiêu hao nhiên liệu, sử dụng năng lượng điện và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất và bàn giao theo theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng, đúng với tinh thần của cách mạng công nghệ 4.0; từng bước áp dụng dây chuyền sản xuất thông minh, xưởng thông minh và đạt mục tiêu nhà máy thông minh.

Thaco Mazda cũng được thiết kế và xây dựng với đặc điểm là khi tăng công suất lên đến 100.000 xe/năm thì chỉ cần lắp đặt thêm một số thiết bị (robot, kéo dài băng chuyền tự động) và sản xuất không gián đoạn.

Đồng thời, hầu hết các cụm chi tiết rời được lắp từ bên ngoài, sau đó chuyển vào dây chuyền chính lắp ráp hoàn thiện nên dễ dàng tách rời các linh kiện để sản xuất chi tiết nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đạt đến 40% trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy Thaco Mazda trong ngày khai trương.

"Việc đầu tư nhà máy mới theo định vị là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất khu vực ASEAN với các chuẩn mực của Mazda toàn cầu tương đương nhà máy Mazda tại Nhật Bản có ý nghĩa rất to lớn là tạo niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ sản phẩm sản xuất trong nước; đồng thời đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước trong khu vực theo kế hoạch chung của Mazda", ông Dương chia sẻ.

Một trong những nội dung mà Thaco cũng cam kết đầu tư theo thỏa thuận đã ký với tỉnh là đầu tư phát triển giao nhận - vận chuyển và nâng cấp hạ tầng giao thông. Trong năm qua, Thaco cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm 173m cầu cảng, nâng tổng chiều dài cầu cảng hiện nay gần 500m và tiếp nhận được cùng lúc 3 tàu trên 20.000 tấn với công suất 3 triệu tấn/năm.

Đặc biệt, cũng trong ngày 25/3/2018, Thaco đã khai trương tuyến hàng hải quốc tế Nhật Bản - Chu Lai và đón chuyến tàu đầu tiên của hãng APL cập cảng Chu Lai. Hãng tàu APL thuộc tập đoàn đa quốc gia CMA đến từ Pháp, là một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới, có mạng lưới hoạt động trên toàn cầu.

Hiện nay, cảng Chu Lai đang có các tuyến container định kỳ: Hàn Quốc – Chu Lai; Trung Quốc – Chu Lai; Nhật Bản – Chu Lai và Chu Lai – TP.HCM – Hải Phòng. Thaco cũng đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng thêm 1 cầu cảng mới, đồng thời tỉnh Quảng Nam cũng tiến hành nạo vét luồng sâu đến 11,5m đảm bảo tiếp nhận tàu 50.000 tấn để nâng cao năng lực giao nhận vận chuyển cho khu vực miền Trung.

Lễ khai trương tuyến hàng hải quốc tế Nhật Bản - Chu Lai

Đồng thời, Thaco cũng đầu tư mở rộng trục đường chính từ cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và xây dựng nút giao vòng xuyến hai tầng tại giao lộ Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam với đường trục chính với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Thaco sẽ hiến tặng công trình này cho tỉnh nhà sau khi hoàn tất vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Khu Kinh tế mở Chu Lai tới đây.

Vẫn theo ông Trần Bá Dương, năm 2018 là năm đầu tiên hội nhập ASEAN hoàn toàn với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN đã về mốc 0%. Công nghiệp ô tô trong nước phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia…

Trước bối cảnh này, ông Dương hy vọng Chính phủ tiếp tục có các chính sách ổn định thị trường, tăng cường kiểm soát chất lượng ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN, đảm bảo tuân thủ nghiêm các điều kiện hưởng thuế suất bằng 0%. Đồng thời, có chính sách thuế cho công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ một cách hợp lý và trong thời gian nhất định để phát triển sản xuất trong nước.

Cùng với nhà máy Thaco Mazda, trong năm 2017, Thaco đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy Bus Thaco lớn nhất trong khu vực ASEAN có công suất thiết kế 20.000 xe/năm (trong đó: 8.000 xe bus và 12.000 xe mini-bus) trên diện tích 17 ha, trong đó diện tích nhà xưởng 8 ha, với các dây chuyền sản xuất hiện đại và tự động hóa.

Đặc biệt, dây chuyền sơn tĩnh điện tự động nhúng toàn thân xe bus có chiều dài đến 13,7 mét, là dây chuyền sơn tĩnh điện xe bus duy nhất tại khu vực ASEAN và là 01 trong 22 dây chuyền sơn tĩnh điện đang có trên thế giới tính đến thời điểm này.

Thaco cũng đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất máy nông nghiệp có công suất thiết kế 2.000 máy kéo/năm, 1.000 máy gặt đập liên hợp và 3.000 bộ thiết bị canh tác. Song song đó, Thaco cũng đầu tư nâng cấp tất cả các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng hiện có và đưa vào hoạt động thêm 2 nhà máy theo hướng tự động hóa.

Hiện nay, Thaco đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy xe tải mới với công suất 75.000 xe/năm và đang mở rộng Khu công nghiệp hỗ trợ thêm 83 ha, nâng tổng diện tích cho công nghiệp hỗ trợ là 138 ha.



Cùng chuyên mục
Tin khác