Đòi mua Greenland: Băng đảo có gì khiến TT Trump 'thèm muốn?

Hoàng Minh - 09/01/2025 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Greenland đang trở thành tâm điểm chú ý khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục muốn mua lại hòn đảo này vào đầu năm 2025. Đây không chỉ là vùng đất băng giá mà còn là chìa khóa trong cuộc tranh giảnh ảnh hưởng toàn cầu tại Bắc Cực, nơi các siêu cường như Mỹ, Nga và Trung Quốc đang tăng cường hiện diện.

Vào năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ý định mua Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới. Điều này đã gây ra một làn sóng quốc tế từ ngạc nhiên đến phản đối mạnh mẽ từ phía Đan Mạch, quốc gia quản lý Greenland. Tuy đề xuất này không thành hiện thực nhưng ý tưởng của ông Trump không phải là ngẫu nhiên.

Mới đây, chuyến đi đến Greenland của ông Donald Trump Jr. càng làm dấy lên những suy đoán về mong muốn mua lại hòn đảo Bắc Cực của cha ông - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Vào tháng 12/2024, ông Trump một lần nữa nhấn mạnh quyết định từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình rằng Mỹ nên sở hữu Greenland và coi đó là một yêu cầu cần thiết.

Trong cuộc họp báo ngày 7/1, khi được hỏi liệu ông có loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp quân sự hoặc kinh tế để kiểm soát Greenland hay kênh đào Panama không, Tổng thống Donald Trump đã trả lời: “Tôi không thể cam kết điều đó nhưng tôi có thể khẳng định: Chúng ta cần những nơi này vì an ninh kinh tế".

Vậy Greenland có gì mà ông Trump lại muốn mua hòn đảo Bắc Cực này đến vậy?

Ông Trump thể hiện rõ khao khát có được hòn đảo lớn nhất thế giới Greenland

Greenland: Vị trí chiến lược và tiềm năng địa chính trị

Vị trí địa lý đặc biệt

Greenland nằm giữa Bắc Mỹ và châu Âu, là một vị trí chiến lược tại Bắc Cực. Với diện tích khoảng 2,16 triệu km², phần lớn lãnh thổ bị bao phủ bởi băng, hòn đảo này là một trong những khu vực ít dân cư nhất thế giới. Tuy nhiên, Greenland lại có tiềm năng chiến lược to lớn nhờ vào hai yếu tố: Tuyến đường hàng hải Bắc Cực và Căn cứ quân sự Thule.

Khi băng tan do biến đổi khí hậu, các tuyến đường hàng hải mới mở ra, giúp giảm thời gian vận chuyển giữa châu Á, châu Âu, và Bắc Mỹ. Đồng thời căn cứ không quân Thule của Mỹ được đặt tại Greenland từ Thế chiến II, là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa và cảnh báo sớm.

Trong khi đó, khu vực Bắc Cực ngày càng trở thành tâm điểm trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các siêu cường như Mỹ, Nga, và Trung Quốc. Với việc kiểm soát Greenland, Mỹ có thể mở rộng sự hiện diện quân sự, đảm bảo an ninh quốc gia và củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa; đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực khi quốc gia này đã thể hiện tham vọng thông qua việc nghiên cứu đầu tư vào các dự án khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng tại Greenland.

Tài nguyên thiên nhiên phong phú

Greenland sở hữu lượng lớn khoáng sản quý hiếm như uranium dùng cho công nghiệp năng lượng và quốc phòng, các kim loại thiết yếu cho công nghiệp và công nghệ như sắt, kẽm và đồng. Ngoài ra, Greenland là một trong những nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, pin và xe điện.

Khi băng tan, việc khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Greenland trở nên khả thi hơn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khu vực Bắc Cực có thể chứa tới 13% trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác của thế giới và 30% khí đốt tự nhiên.

Greenland cũng có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện, nhờ vào hệ thống sông băng và nước tan chảy. Việc phát triển năng lượng sạch tại Greenland có thể hỗ trợ Mỹ trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững.

Phải nói rằng, biến đổi khí hậu đang làm Greenland trở nên dễ khai thác hơn nhưng cũng gây ra những thách thức lớn về môi trường. Nếu không được quản lý cẩn thận, việc khai thác tài nguyên có thể dẫn đến sự phá hủy hệ sinh thái độc đáo của hòn đảo này.

Greenland không chỉ là vùng đất băng giá mà còn là "món tài sản" mà nhiều siêu cường quốc muốn có

Vai trò trong các hiệp định quốc tế

Greenland đóng vai trò quan trọng trong các hiệp định liên quan đến Bắc Cực. Các quốc gia bao gồm Mỹ, Nga và các nước Bắc Âu cần hợp tác để quản lý tài nguyên và đảm bảo ổn định khu vực.

Với tư cách là một doanh nhân và nhà đầu tư, ông Trump có thể đã nhìn thấy Greenland như một cơ hội để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Mỹ. Việc sở hữu Greenland không chỉ củng cố di sản chính trị của ông mà còn thể hiện phong cách lãnh đạo táo bạo và không theo chuẩn mực thông thường.

Tương lai nào cho hòn đảo nơi cửa ngõ Bắc Cực?

Ngay sau khi ông Trump công khai ý định mua Greenland, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã gọi ý tưởng này là "vô lý" và nhấn mạnh rằng Greenland không phải để bán. Đan Mạch coi Greenland là một phần không thể tách rời của vương quốc, dù Greenland có mức độ tự trị cao.

Cùng quan điểm, chính quyền Greenland hoan nghênh sự hợp tác quốc tế nhưng bác bỏ ý tưởng mua bán lãnh thổ. Thủ tướng Greenland Mute Egede khẳng định quyền tự quyết của người dân địa phương. Greenland có khoảng 56.000 dân, phần lớn là người Inuit.

Greenland đang cố gắng phát triển du lịch để đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào Đan Mạch

Greenland tự quản lý nội bộ và có quyền pháp lý để tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, vấn đề về khả năng tự duy trì kinh tế vẫn là mối đe dọa lớn đối với họ. Hiện tại, nền kinh tế của hòn đảo này chủ yếu dựa vào ngành đánh bắt cá và khoản trợ cấp hàng năm từ Đan Mạch, vốn chiếm khoảng 2/3 ngân sách của vùng lãnh thổ này.

Sau khi ông Trump ngỏ lời, Greenland đã tiếp tục kêu gọi tách ra độc lập khỏi Đan Mạch. Trong bài phát biểu năm mới, ông Egede kêu gọi xóa bỏ "xiềng xích của thời kỳ thuộc địa", báo hiệu rằng sẽ có khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tách ra độc lập. Greenland cũng đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế bằng việc khai trương một sân bay mới tại Nuuk để tăng cường du lịch vào tháng 11/2024.

Trong khi đó, Đan Mạch công bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và ở Greenland. Vào đầu tháng 1, Hoàng gia Đan Mạch đã thay đổi quốc huy, nhấn mạnh hơn hình ảnh gấu Bắc Cực - biểu tượng cho Greenland và quần đảo Faroe, thể hiện rõ ý chí giữ gìn lãnh thổ của mình.

Greenland là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh địa chính trị và kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh giữa các siêu cường quốc. Ý tưởng này cũng làm nổi bật vai trò chiến lược của Greenland trong thế kỷ 21 và nhấn mạnh nhu cầu hợp tác quốc tế để khai thác tiềm năng của khu vực này một cách bền vững.

Hiện tại chưa rõ ông Trump sẽ theo đuổi mong muốn sở hữu Greenland đến đâu. Mặt khác, cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở Greenland, dự kiến trước ngày 6/4 tới đây, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định con đường phía trước của hòn đảo này.

Những vụ mua đất, mở rộng lãnh thổ của Mỹ

Louisiana (1803) - Mỹ đã mua lại từ Pháp với giá 15 triệu USD;

Florida (1819) - Mỹ mua lại từ Tây Ban Nha bằng cam kết trả khoản nợ 5 triệu USD mà Tây Ban Nha đang nợ công dân Mỹ;

Gadsden (1854) - Mỹ mua một vùng đất nhỏ từ Mexico (ngày nay thuộc Arizona và New Mexico) với giá 10 triệu USD;

Alaska (1867) được Mỹ mua từ Nga với giá 7,2 triệu USD, ban đầu thương vụ này bị coi là lãng phí nhưng sau đó trở thành một tài sản chiến lược quan trọng;

Quần đảo Virgin thuộc Đan Mạch (1917) - Mỹ mua để củng cố vị trí quân sự tại vùng Caribbean.

Trong khi đó, tham vọng với Greenland của Mỹ chưa thành khi đã từng cố gắng mua hòn đảo này trong quá khứ. Năm 1867, Ngoại trưởng William H. Seward, người chịu trách nhiệm mua Alaska cũng đã quan tâm đến Greenland. Năm 1946, chính quyền Harry Truman đã đề nghị mua Greenland với giá 100 triệu USD nhưng bị Đan Mạch từ chối.

Greenland tan băng: 'Mỏ vàng' mới của giới siêu giàu

Greenland tan băng: 'Mỏ vàng' mới của giới siêu giàu

Tài chính quốc tế
(VNF) - Cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến băng tại Greenland tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng có. Bên cạnh những hiểm họa khôn lường, điều này lại đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và các công ty khai thác tìm kiếm một lượng khoáng sản quan trọng có khả năng cung cấp năng lượng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Cùng chuyên mục
Tin khác