(VNF) - Từ những phiên biến động lớn đầu tháng 2/2018, diễn biến của Vn-Index đồng pha gần như tuyệt đối với Dow Jones, điều hiếm khi xảy ra trong lịch sử.
Thị trường chứng khoán vốn được coi là "phong vũ biểu" của nền kinh tế. Vậy liệu rằng nền kinh tế Việt Nam có đang đối mặt với những biến động vĩ mô mà nước Mỹ đang lo ngại, mối tương quan giữa Dow Jones và Vn-Index có tiếp tục trong trung và dài hạn hay không. Đây được coi là mối quan tâm khá mới đối với nhà đầu tư.
Quay lại với diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 có hai phiên giảm điểm nặng nề bắt đầu từ ngày 2/2/2018. Đây cũng là thanh domino đầu tiên đổ vỡ, chạm vào vùng cao chênh vênh của hầu hết các thị trường tài chính trên khắp thế giới, Vn-Index cũng đã không tránh khỏi chấn động này.
Theo đánh giá, những lo ngại về việc nền kinh tế hạ nhiệt tại Mỹ bắt đầu nhen nhóm từ việc lãi suất trái phiếu 10 năm (US 10-year bond yield) có dấu hiệu bứt phá khỏi kênh giảm, vượt ngưỡng 2,85%.
Trong những thông báo gần đây của mình, FED cũng đang cho rằng mặc dù triển vọng nền kinh tế vẫn sáng sủa nhưng lạm phát cao đang là vấn đề cần được điều tiết. Đồng thời, FED cũng để ngỏ kế hoạch tăng lãi suất nhiều hơn 3 lần trong năm 2018, bắt đầu từ tháng 3. Chuẩn bị cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ, Quốc hội Mỹ trước đó cũng đã bắt đầu có động thái nới lỏng chính sách tài khóa, thông qua việc cắt giảm kỷ lục thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% vào ngày 21/12.
Lãi suất tăng, ảnh hưởng đến giá trị chiết khấu của các tài sản tài chính, tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp đồng thời làm cho dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển ra khỏi thị trường chứng khoán.
Những rủi ro từ chính sách tiền tệ trên xuất hiện từ cuối năm 2017, và bất ngờ tạo ra hai phiên "kinh hoàng" đầy bất ngờ vào đầu tháng 2/2018. Cũng cần phải nói thêm, hệ thống giao dịch tự động rất đặc thù của các thị trường tài chính tiên tiến đồng loạt nhận tín hiệu báo bán tại vùng đỉnh, làm cho nhịp giảm điểm này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Quay lại với câu chuyện Vn-Index. Giai đoạn giáp Tết Âm lịch, nhà đầu tư liên tục trải qua tình trạng ngóng chờ diễn biến Dow Jones để hành động. Việc lệch múi giờ giao dịch cũng khiến đồ thị chỉ số thị trường Việt Nam liên tục tạo khoảng trống giá. Nguyên do được cho là nhà đầu tư ngay lập tức phản ứng từ phiên ATO sau khi thị trường Mỹ đã đóng cửa vào rạng sáng giờ Việt Nam.
Loại trừ chênh lệch múi giờ, diễn biến của Vn-Index theo khá sát Dow Jones. Nguồn: Bloomberg
Tuy nhiên, xét về bản chất nền kinh tế, những lo ngại về hạ nhiệt nền kinh tế tại Việt Nam hầu như vẫn chưa xuất hiện. Lãi suất vẫn duy trì ở vùng đáy ở mức 6,25%, lạm phát được đặt mục tiêu dưới mức 4% trong năm 2018, dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục vượt mức 57 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước còn dư địa nới room tín dụng để tiếp tục ổn định chính sách tiền tệ.
Nhìn rộng ra, có thể xem chính sách tài khóa và tiền tệ là hai cánh tay điều tiết của Nhà nước. Khi mà chính sách tài khóa khó lòng nới lỏng do áp lực nợ công chạm trần, Việt Nam vẫn phải duy trì cánh tay còn lại, tạo môi trường lãi suất ổn định để tiếp tục tăng trưởng, đồng thời giữ vững triển vọng dài hạn khá tích cực cho thị trường chứng khoán. Câu chuyện này tương đối khác biệt với những lo ngại ở thị trường Mỹ, khi nhiệm vụ được chuyển giao phần nào cho "tay trái" chính sách tài khóa.
Vn-Index trong những ngày sau Tết đang hồi phục khá đồng thuận cùng với thị trường tài chính quốc tế. Bắt đầu một xu hướng tăng mới hay chỉ là hồi phục kỹ thuật vẫn đang là dấu hỏi khá lớn đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên nếu nhìn vào triển vọng dài hạn qua lăng kính vĩ mô, giới đầu tư có quyền nhìn nhận lạc quan hơn đối với Vn-Index, nhất là khi những câu chuyện lớn của thị trường chứng khoán như thoái vốn, nâng hạng vẫn còn nguyên vẹn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone