Dự án An Lạc Green Symphony xây dựng không phép – chủ đầu tư Tập đoàn Đầu tư An Lạc làm ăn ra sao?

Ái Châu Tử - 17/07/2021 19:09 (GMT+7)

(VNF) – Mặc dù có doanh thu thuần khá thấp song Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc có lợi nhuận sau thuế cao gấp hàng chục lần.

VNF
Dự án An Lạc Green Symphony xây dựng không phép – chủ đầu tư Tập đoàn Đầu tư An Lạc làm ăn ra sao?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc (tên cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc) được biết đến là chủ đầu tư một số dự án bất động sản tại Hà Nội như: nhà ở 38 Hoàng Ngân, chung cư Phùng Khoang, An Lạc – Mỹ Đình, tiểu khu đô thị Nam La Khê và hiện nay là khu đô thị An Lạc Green Symphony.

An Lạc Green Symphony, tên gọi cũ là khu đô thị Đại học Vân Canh, nằm tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Dự án được UBND tỉnh Hà Tây giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, suốt 13 năm sau đó, dự án luôn trong tình trạng “đắp chiếu”. Phải tới tháng 6/2020, thành phố Hà Nội mới quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hiện, dự án có quy mô đầu tư khoảng 75ha, gồm hơn 1.000 căn biệt thự, liền kề, 21 tòa chung cư, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dân số khoảng 2 vạn người.

Sau khi xây thô, hoàn thiện mặt ngoài hàng trăm căn biệt thự, liền kề, từ đầu năm nay, dự án bắt đầu triển khai hạng mục chung cư đầu tiên với diện tích khoảng 6.000m2. Công trường dự án chung cư này được quây tôn với 2 cẩu tháp thời gian qua đã thi công rầm rộ.

Tuy nhiên, đến tận tháng 4/2021, dư luận mới biết rằng chủ đầu tư đã thi công không phép.

UBND huyện Hoài Đức sau đó đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc. Quyết định cho biết hành vi vi phạm hành chính của công ty này là tổ chức thi công xây dựng công trình phần hầm nhà cao tầng với diện tích xây dựng hơn 6.000m2 tại khu đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án An Lạc Green Symphony. Mức phạt được ấn định là 40 triệu đồng.

Cũng theo quyết định, trong thời hạn 60 ngày kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính (20/4/2021), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu quá 60 ngày mà không xuất trình được giấy phép, dự án sẽ bị áp dụng biện pháp tháo gỡ theo quy định.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc được thành lập vào tháng 3/2002, đóng trụ sở tại phố Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Trọng Thông – đương kim chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) – một doanh nghiệp có vai vế trên thị trường bất động sản Hà Nội.

Tính đến tháng hết năm 2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc có các cổ đông cá nhân sau: Nguyễn Thị Thu Hà (28,88%), Đặng Văn Dựa (4,99%), Nguyễn Thùy Dương (2,61%), Nguyễn Hữu Sơn (0,2%).

Trong khi đó, các cổ đông cá nhân đã thoái vốn gồm: Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Cường Sơn, Vũ Thị Thêm.

Cập nhật đến ngày 5/7/2021, Tập đoàn Đầu tư An Lạc có vốn điều lệ lên tới 1.023 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 553 tỷ đồng đạt được vào tháng 4/2020.

Có chung chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Thông, song trên thực tế, An Lạc lại không thuộc hệ sinh thái Hà Đô Group. Dấu chân duy nhất có lẽ là việc góp vốn vào Công ty Cổ phần Za Hưng – một trong 16 công ty con của Hà Đô, chuyên về sản xuất, truyền tải và phân phối điện – với tỷ lệ 25,26% (tính đến hết năm 2020).

Ngoài ra, sự liên hệ gần đây nhất chỉ là việc HĐQT Tập đoàn Hà Đô ra nghị quyết vay 350 tỷ đồng của An Lạc theo hình thức tín chấp.

Trở lại với An Lạc, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2019, công ty này có sự tăng trưởng rất mạnh về tài sản, từ 772 tỷ đồng 2.363 tỷ đồng, tức là trong vòng 4 năm, tài sản đã tăng gấp 3 lần.

Tài trợ chính cho sự tăng trưởng của tài sản là vốn chủ sở hữu khi tăng từ 292 tỷ đồng (2016) lên 1.738 tỷ đồng (2019), tức tăng gấp 6 lần.

Trong khi đó, nợ phải trả tăng nhẹ từ 480 tỷ đồng lên 624 tỷ đồng trong cùng giai đoạn.

Về tình hình kinh doanh, từ năm 2016 – 2019, diễn biến doanh thu thuần của An Lạc trồi sụt theo hình Parabol. Cụ thể, doanh thu 2016 đạt 15 tỷ đồng, năm 2017 tăng lên 20,5 tỷ đồng, 2018 đi ngang 20 tỷ đồng, năm 2019 sụt xuống 14 tỷ đồng.

Lãi gộp các năm lần lượt là: 3,7 tỷ đồng, 5,9 tỷ đồng, 3,5 tỷ đồng và 3,1 tỷ đồng.

Với doanh thu và lãi gộp ở mức này, có thể nói hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của An Lạc không có gì nổi bật.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của An Lạc lại diễn biến rất khác. Ngoại trừ năm 2016 lỗ ròng 3,6 tỷ đồng và 2017 báo lãi nhẹ 2,2 tỷ đồng, giai đoạn 2018 – 2019, lãi sau thuế của An Lạc tăng đột biến, lần lượt là 55,4 tỷ đồng và 153 tỷ đồng.

Mức lãi đột biến của năm 2019 đã đưa hệ số ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) chạm tới mốc 10%, còn ROA (lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản) là 7%.

Về Công ty Cổ phần Za Hưng – nơi An Lạc góp 25,26% vốn, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy đây là một doanh nghiệp có quy mô nghìn tỷ, cụ thể tổng tài sản tính đến năm 2019 đạt mốc 2.461 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.072 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 – 2019, Za Hưng làm ăn tương đối tốt khi doanh thu tăng từ 238 tỷ đồng lên 499 tỷ đồng. Diễn biến đồng pha, lợi nhuận sau thuế tăng từ 98 tỷ đồng lên 209 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cấu trúc tài chính của Za Hưng những năm 2016 – 2018 có điểm rất đáng lo ngại là hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn rất thấp, khi nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn. Cụ thể, năm 2016, nợ ngắn hạn là 228 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn chỉ 213 tỷ đồng; năm 2018 tỷ số này là 221 tỷ đồng/156 tỷ đồng; năm 2019 là 230 tỷ đồng/174 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác