Bất động sản

Dự án nút giao Mỹ Thủy có nguy cơ tiếp tục đội vốn

Vốn giải phóng mặt bằng đã tăng gấp đôi so với dự kiến nhưng dự án nút giao Mỹ Thủy có nguy cơ tiếp tục tăng vốn do tiến độ triển khai quá chậm.

Dự án nút giao Mỹ Thủy có nguy cơ tiếp tục đội vốn

Phối cảnh nút giao Mỹ Thủy

Ì ạch giải phóng mặt bằng

Sáng nay 28/5, Chủ tịch HĐND TP. HCM - Nguyễn Thị Lệ - cùng đoàn đại biểu HĐND TP đã có buổi giám sát một số dự án giao thông trọng điểm thuộc địa bàn các quận 2, 9, Thủ Đức. Một trong những dự án được quan tâm nhất là dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2). Đây là dự án được kỳ vọng khi hoàn thiện sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông tại "điểm đen" nút giao Mỹ Thủy, đồng thời đảm bảo thông suốt các trục đường chính Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống và vành đai 2.

Theo ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP. HCM, dự án được khởi công từ tháng 6/2016, chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một gồm các hạng mục chính là cầu Kỳ Hà 3 có bốn làn xe, dài 75m; hầm chui rẽ trái từ vành đai 2 đi cảng Cát Lái gồm hai làn xe, dài 405m, đoạn hầm kín dài 80 m; cầu vượt trên vành đai 2 gồm bốn làn xe, dài 31m, đã hoàn thiện và thông xe vào năm 2017-2018.

Các hạng mục chính của giai đoạn hai mà chủ đầu tư đang tiến hành triển khai gồm: cầu Mỹ Thủy 3 nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 (sáu làn xe, dài 124m); các nhánh đường bờ tả rạch Mỹ Thủy và gói thầu các nhánh đường bờ hữu (chủ yếu thi công các đường chui dưới cầu vì hiện nay đang vướng mặt bằng). Ngoài ra, một số hạng mục khác đang tiến hành lập thiết kế chuẩn bị thi công gồm cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ, cầu Kỳ Hà 4 từ hướng cầu Phú Mỹ rẽ phải về cảng Cát Lái. Dự án còn 2 hạng mục chưa được quyết định chủ trương đầu tư là cầu Kỳ Hà 3 nhánh phải và cầu vượt trên vành đai 2 nhánh phải.

Tổng cộng, dự án có 10 hạng mục chính, đã hoàn thành 3 hạng mục, đang thi công 3 hạng mục và đang thiết kế chuẩn bị thi công 2 hạng mục.

Đáng chú ý, để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trọng điểm này, TP. HCM đã tách dự án thành 2 phần, dự án xây lắp riêng và giải phóng mặt bằng riêng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án bồi thường giải phóng mặt bằng quá chậm trễ. Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ nhận mặt bằng "sạch" vào tháng 9/2018 để thi công dự án hoàn thành vào năm 2021 nhưng đến nay, phía quận 2 vẫn chưa giải quyết xong công tác giải phóng mặt bằng.

Đội vốn hơn 500 tỷ đồng, nguy cơ vẫn chưa đủ

Báo cáo đoàn đại biểu HĐND TP, đại diện ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 2 (chủ đầu tư) cho biết tổng số hồ sơ bị ảnh hưởng trên địa bàn quận này là 199 hồ sơ với diện tích đất thu hồi khoảng 16,6 ha, khoảng 130 trường hợp có nhu cầu tái định cư. Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thông qua thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Lệ giám sát thực địa dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy sáng 28/5. Ảnh: Hà Mai

Theo quyết định số 7006 ban hành ngày 30/12/2016 của UBND TP, dự án được ghi vốn với tổng mức đầu tư là 504 tỷ đồng. Sau đó, do dự án kéo dài, đơn giá bồi thường từ năm 2015 đã không còn phù hợp, cùng với quy mô dự án mở rộng thêm nên phía chủ đầu tư đã đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên khoảng 1.029 tỷ đồng (theo đơn giá T1 được duyệt), tức tăng 525 tỷ đồng so với mức ban đầu. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa được thông qua tổng mức đầu tư điều chỉnh nên chưa hoàn tất trình duyệt dự án bồi thường và đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư (thời điểm T2), làm cơ sở phê duyệt Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.

Hiện ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 2 vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP để hoàn chỉnh thủ tục theo đúng quy trình, sớm trình HĐND TP thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án trong kỳ họp tháng 7 tới để sớm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau khi lắng nghe ý kiến của tất cả các đơn vị, bà Nguyễn Thị Lệ đánh giá nút giao Mỹ Thủy là dự án trọng điểm, tác động rất lớn đến đời sống của người dân TP nhưng tiến độ triển khai quá chậm, dẫn đến hệ quả đội giá, phải điều chỉnh vốn. Chưa kể, giá bồi thường mà quận 2 đang đề xuất mới chỉ là giá T1, áp dụng từ năm 2018, đến nay đã gần 2 năm. Do đó không ngoại trừ khả năng chi phí giải phóng mặt bằng được duyệt tiếp tục không phù hợp, nguy cơ dự án tiếp tục đội vốn.

"Sở Kế hoạch - Đầu tư dự kiến tham mưu UBND TP thông qua phương án nhập 2 dự án xây lắp và bồi thường thành 1 dự án chung để nhanh chóng giải quyết vướng mắc nhưng nếu gộp chung lại, công trình này sẽ trở thành dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công mới, sẽ tốn thêm nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục"- Chủ tịch HĐND TP lo ngại và yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư sớm xem xét, thẩm định chặt chẽ hồ sơ đề nghị tăng vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư, rà soát pháp lý đầy đủ để thực hiện đúng phương án gộp dự án theo Luật Đầu tư công.

Tin mới lên