Du thuyền bị 'đóng băng' do trừng phạt, chủ sở hữu Nga vẫn phải thanh toán phí duy trì

Thuỷ Bình - 20/10/2022 16:49 (GMT+7)

(VNF) - Do các lệnh trừng phạt, một số du thuyền thuộc sở hữu của các tỷ phú Nga đã bị “đóng băng” trên khắp các cảng châu Âu. Chính quyền Tây Ban Nha và Pháp hiện yêu cầu chủ sở hữu các du thuyền này phải trả các loại phí thanh toán bảo trì, thủy thủ đoàn, cập cảng và bảo hiểm.

VNF
Kể từ khi châu Âu bắt đầu tung các đòn trừng phạt Nga, nhiều du thuyền thuộc quyền sở hữu của các tỷ phú nước này đã bị "đóng băng" tại các cảng của EU.

Theo nguồn tin của Reuters, Tây Ban Nha và Pháp mới đây đã ủy quyền cho chủ sở hữu của các siêu du thuyền bị đóng băng theo lệnh trừng phạt đối với các doanh nhân Nga trả tiền bảo trì.

Tại Tây Ban Nha, 6 du thuyền đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine vào cuối tháng 2. "Phần lớn" các chủ sở hữu đang trả phí bảo dưỡng, thủy thủ đoàn, cập cảng và bảo hiểm cho các du thuyền này.

Các khoản thanh toán này phát sinh do một số chính phủ phương Tây cam kết đặt trọng tâm trừng phạt vào các tài sản xa xỉ của những người liên quan hoặc tài trợ cho chiến sự tại Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các chính phủ phương Tây và Mỹ cũng đưa ra các đề xuất về việc bán các tài sản của Nga, bao gồm các du thuyền, và sử dụng số tiền thu được để “tái thiết” Ukraine. Tuy nhiên, cho tới nay, mới chỉ có 1 du thuyền được bán, là chiếc Axioma được bán đấu giá ở Gibraltar vào tháng 8 theo lệnh của một ngân hàng nợ tiền JP Morgan, chứ không phải chính phủ.

Tại Pháp và Tây Ban Nha, quyết định đóng băng thay vì thu giữ các tài sản xa xỉ được cho là thuộc sở hữu của những người Nga bị trừng phạt có nghĩa là chi phí vận hành của chúng vẫn thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu, theo Bộ Tài chính Tây Ban Nha.

Nhìn chung, do các lệnh trừng phạt, các cá nhân thường bị hạn chế thực hiện các giao dịch tài chính tại các khu vực pháp lý nơi họ bị trừng phạt. Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha và Pháp đang cho phép các khoản thanh toán theo luật của EU và quốc gia, theo Reuters.

Bộ Tài chính Tây Ban Nha cho biết một đạo luật năm 2014, được thông qua sau khi Nga sáp nhập Crimea, cho phép các cá nhân bị trừng phạt thực hiện các khoản thanh toán cần thiết để duy trì tài sản.

James Jaffa, luật sư của công ty Jaffa & Co của Anh chuyên về du thuyền, bao gồm cả khách hàng Nga, cho rằng chi phí bảo trì của những chiếc du thuyền như vậy thường chỉ là "tiền lẻ" với các chủ sở hữu.

Công ty quản lý cảng Ocibar (Tây Ban Nha) cho biết chủ sở hữu của hai du thuyền bị đóng băng theo lệnh trừng phạt và neo đậu tại các cảng cơ sở của ở Tarragona và Mallorca, chiếc Crescent và Lady Anastasia, đã được chủ sở hữu thanh toán các chi phí, bao gồm cả phí cập cảng, phí tiện ích và phí cho phi hành đoàn.

Tại Pháp, 5 du thuyền đã bị đóng băng. Alexey Kuzmichev, cổ đông bị trừng phạt của Ngân hàng Nga Alfa, đã thanh toán cho hai con tàu của mình bị đóng băng ở Cannes và Antibes, theo luật của Liên minh châu Âu năm 2014 cho phép thanh toán cho việc duy trì tài sản.

Xem thêm >> Nga đạt thỏa thuận lập trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ, cung ứng tới châu Âu

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác