Đưa thông tin tài khoản cho cơ quan thuế: Ngân hàng phản đối, Bộ trưởng nói 'không thể không làm'
Phương Thảo -
12/11/2018 13:37 (GMT+7)
(VNF) - Về việc dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận đề xuất này vấp phải sự phản ứng từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng "không thể không làm, vì nếu không kiểm soát được thu nhập, dòng tiền thì khó thu được thuế".
Sáng nay (12/11), các ĐBQH thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật gồm Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Góp ý vào Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước dẫn chứng vướng mắc trong câu chuyện thu thuế đối với Uber, Grab. Từ đó, ông Chung cho rằng cần có công thức tính thuế trên giao diện để vừa giám sát tốt vừa tạo ra sự bình đẳng với các đối tượng kinh doanh, chống thất thu thuế, đồng thời khuyến khích được các giải pháp công nghệ ứng dụng phục vụ cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng thì nhận định thu thuế trong nền kinh tế chia sẻ là vấn đề nóng hổi và rất khó, bởi hiện nay các nước cũng đang chưa rõ về định hình loại hình này. Nước thì phạt, nước thì cấm, nước thì đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia.
Chia sẻ khi đi nghiên cứu ở nhiều nước, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, đa phần các nước khuyên Việt Nam nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển, không nên can thiệp quá mạnh. Bởi vì, đây là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh.
“Nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống” – ông Dũng băn khoăn.
Từ thực tế đó, người đứng đầu Bộ KH-ĐT cho hay, các nước đưa ra lời khuyên nên có phương thức thoả thuận giữa nhà nước và doanh nghiệp công nghệ trong vấn đề thu thuế. Theo đó, ấn định doanh nghiệp phải đóng mức thuế bao nhiêu một cách linh hoạt. Như thế, sẽ có tác dụng hơn trong việc khuyến khích doanh nghiệp hoạt động.
“Ngay như trong vụ tranh chấp giữa Grab và Vinasun, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình có hỏi ý kiến tôi và tôi cho rằng nên tạm dừng vụ kiện lại, phải nghiên cứu thêm. Tôi thiên về hướng hoà giải giữa hai bên bởi kiện nhau cũng không có pháp lý để xử” – Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói. Ông cũng cho biết quan điểm là nghiêng về việc khuyến khích nguồn thu thay vì quản lý, tận thu.
“Nguyên tắc quản lý thuế của chúng ta thiết kế hiện nay hơi nặng về quản lý thu. Tôi thì hướng đến khía cạnh tạo nguồn thu và khuyến khích nguồn thu. Nếu chỉ quản thu thôi nhưng không khuyến khích nguồn thu thì kìm hãm sự phát triển. Phải thay đổi” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng băn khoăn: “Bây giờ nói thu thuế người kinh doanh, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng nhận dạng nó là gì, thì quy định pháp luật hiện nay không có!”.
Theo ông, dù pháp luật không quy định nhưng vì nhiệm vụ nên trong thực tiễn, ngành thuế vẫn phải xử lý việc kiểm soát thuế của các đối tượng kinh doanh theo hình thức mới. Theo đó, cơ quan thuế đã rất cố gắng rà soát hàng trăm ngàn tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội Facebook, Google…; vận động, gửi thư thuyết phục người kinh doanh nộp thuế.
Đề cập tới quy định tại dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) khi yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế khi có yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận đề xuất này vấp phải sự phản ứng từ phía ngân hàng.
“Thực tế không thể không làm, vì nếu không kiểm soát được thu nhập, dòng tiền thì khó thu được thuế. Chưa kể kinh tế của chúng ta là nền kinh tế tiền mặt” - ông Đinh Tiến Dũng giải thích.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone