Tiêu điểm

Đưa TP. HCM thành trung tâm tài chính thế hệ mới, 'cực thu hút' nguồn tài chính xanh

(VNF) - World bank (WB) ước tính, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD đầu tư từ nay đến năm 2040. Trong lộ trình đó, TP.HCM với vị thế đầu tàu kinh tế và tham vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực cần hướng đến mô hình trung tâm tài chính thế hệ mới, một 'cực thu hút' nguồn tài chính xanh.

Đưa TP. HCM thành trung tâm tài chính thế hệ mới, 'cực thu hút' nguồn tài chính xanh

TP.HCM hướng đến tài chính xanh, tài chính công nghệ

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP. HCM (HEF) lần thứ 4/2023 với chủ đề 'Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không' mới đây, ông Nguyễn Minh Vũ, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP. HCM có điều kiện rất thuận lợi để trở thành "cực thu hút" các nguồn tài chính xanh trong xu thế gia tăng hiện nay. Trung tâm tài chính của thành phố phải là trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM cũng bày tỏ, thành phố quyết tâm thực hiện bằng việc nghiên cứu đề ra những chiến lược kinh tế xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Cụ thể tập trung vào các nội dung: Nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế; Hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm; Hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh. Các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh, gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.

Đưa ra con số tiềm năng, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tính đến cuối năm 2022, nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh của cả nước mới đạt gần 500.000 tỷ đồng (khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế) và tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (chiếm 47%), nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%). Bởi vậy, trong lĩnh vực tài chính, thành phố cũng phải đi tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh.

Tư vấn một giải pháp cụ thể,  ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đề xuất giải pháp đánh thuế phát thải carbon. Điều này không chỉ tạo động lực cho doanh nghiệp nỗ lực giảm phát thải mà còn tạo nguồn thu ngân sách bổ sung.

"Chính quyền có thể dùng nguồn tài chính này đầu tư lại cho các doanh nghiệp giảm phát thải xuất sắc hoặc hỗ trợ doanh nghiệp trong thể giảm thêm được phát thải", ông Jochen Schmittmann nói.

kinh tế xanh
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Hút nguồn tài chính lớn cho mục tiêu Net Zero

Theo đánh giá của WB,  Việt Nam là quốc gia ven biển vùng nhiệt đới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây được coi là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái và là nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm GDP của Việt Nam giảm 3,5% vào năm 2050.

Báo cáo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, tại Việt Nam, trong tất cả các lĩnh vực, các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai, góp phần làm giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/ năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%...

Số liệu của Ngân hàng thế giới cho thấy, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, với tổng vốn đạt 7.4 tỷ USD. Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới.

Nhiều địa phương trong cả nước đã đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Đơn cử, nếu như vào năm 2016, Việt Nam mới có 40 tỉnh, thành phố triển khai nông nghiệp hữu cơ thì đến năm 2022, con số này đã tăng lên 62. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam hàng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), xuất khẩu tới 180 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, chuyển đổi để phát triển kinh tế xanh tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi nguồn lực lớn, nhất là nguồn tài chính xanh. Song song đó là nguồn nhân lực và công nghệ.

Theo tính toán của WB, Việt Nam sẽ cần đến 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác. Để làm được điều đó. Ngoài vai trò của các ngân hàng thì rất cần sự tham gia và hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tài chính quốc tế, với các cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế xanh.

Đây là 1 thách thức nhưng cũng là 1 cơ hội để các trung tâm kinh tế - tài chính như TP.HCM chuyển đổi và phát triển theo mô hình mới, bền vững hơn.

Tin mới lên