'Đường đua' lãi suất chưa thấy đích, dòng tiền chuyển hướng

Thành Nam - 31/07/2022 21:38 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc đua tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng ngày càng gay cấn. Không chỉ tăng lãi suất các kỳ hạn, một số ngân hàng thương mại còn có chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao để hút khách. Lãi suất tăng cao giữa lúc các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng hay bất động sản đều đi xuống đang khiến dòng tiền nhàn rỗi trong dân chuyển hướng.

VNF
Tính từ đầu năm đến nay, đã có 31 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất, đẩy mức lãi suất huy động lên cao nhất là ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Cuộc đua chưa thấy đích

Tính từ đầu năm đến nay, đã có 31 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất, đẩy mức lãi suất huy động lên cao nhất là ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Xây dựng (CBBank) ở mức 6,9%/năm, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ở mức 6,85% với hình thức gửi tiết kiệm online. Mức lãi suất này đã tiệm cận đỉnh cao 7%/năm của những năm trước.

Với kỳ hạn 12 tháng trở lên, hiện có 10 ngân hàng có lãi suất huy động từ 7%-7,55%/năm, chủ yếu là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, với những cái tên như SCB, Bac A Bank, Nam A Bank, CBBank, BaoVietBank, PVcomBank, SHB, KienLongBank… Lãi suất cao nhất trong nhóm này, cũng là cao nhất trên thị trường hiện nay, thuộc về SCB ở mức 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng gửi tại quầy và 7,55%/năm cho kỳ hạn 18 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm online.

Ngoài ra, một số ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn. Hiện Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đang phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn, có mệnh giá tối thiểu là 100 triệu đồng, với lãi suất 7,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,85%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. SCB đang phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 lên tới 7,6%/năm…

Hiện nay, một loạt ngân hàng tư nhân khác đang tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất với những cái tên như TPBank, GPBank, DongABank, VietCapitalBank... Bảng thông báo lãi suất của các ngân hàng liên tiếp cập nhật lãi tiền gửi tiết kiệm, khiến cho “cuộc đua” lãi suất ngày càng sôi động, nâng mặt bằng lãi suất chung lên cao hơn.

Các dự báo cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, do nhu cầu vay vốn tăng, trong khi nhiều người có nhu cầu sửa chữa nhà cửa, trả nợ, mua sắm xe cộ, đồ dùng gia đình chuẩn bị đón Tết. Vì vậy, không có tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng, phải rút tiền gửi, thậm chí là vay từ ngân hàng để chi tiêu… sẽ đẩy lãi suất huy động tăng.

Cùng với đó là áp lực lạm phát và những điều tiết vĩ mô đang thúc đẩy các ngân hàng hút dòng tiền về. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ lớn hơn trong giai đoạn từ nay cho tới cuối năm, đặc biệt khi kỳ vọng lạm phát của người dân ngày càng tăng cao, buộc các ngân hàng phải huy động lãi suất tiền gửi cao hơn.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, với áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu, cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao trong các tháng tới, lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng, mức tăng khoảng 1% - 2%/năm trong cả năm 2022.

Lãi suất tiền gửi tăng là tin vui với những ai đang có tiền nhàn rỗi có nhu cầu gửi tiết kiệm. Không chỉ các cá nhân mà ngay cả doanh nghiệp nếu có tiền nhàn rỗi càng lớn, gửi ngân hàng càng được hưởng lợi nhiều. Trong khi các kênh đầu tư nóng thời gian qua như chứng khoán, bất động sản và mới nhất là vàng sụt giảm thì sức hấp dẫn của lãi suất cao sẽ khiến dòng tiền nhàn rỗi trong dân chuyển hướng.

Doanh nghiệp lo tăng chi phí vốn

Đến nay, dù Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ lãi suất điều hành thấp nhưng với việc các ngân hàng thương mại đã liên tục tăng lãi suất huy động thì sức ép tăng lãi suất cho vay là khó tránh khỏi. Dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng 1% - 1,5%/năm đến cuối năm nay.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra khuyến nghị, hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1% - 1,5%/năm, đây là mức hỗ trợ kiểm soát lạm phát tốt nhất.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc lãi suất tăng sẽ khiến các doanh nghiệp vay vốn lo lắng vì sẽ đẩy chi phí tài chính tăng mạnh. Đây là áp lực rất lớn khi giá cả nguyên liệu đầu vào cũng đang tăng lên.

Theo các doanh nghiệp, lãi suất huy động của một số ngân hàng kỳ hạn 6 tháng hiện nay đã tiệm cận mức 7%/năm. Với lãi suất này, cộng thêm biên độ 3% - 3,5%/năm nữa thì lãi suất vay kỳ hạn 6 tháng đã ở mức từ 9% - 10,5%/năm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn, sẽ khiến cho chi phí đầu vào tiếp tục tăng.

Trong khi đó, 6 tháng qua, doanh nghiệp đã chịu tác động lớn từ giá xăng dầu tăng cao gần 50%, chi phí logistics tăng 15% - 20% so với năm 2021, trong khi năm 2021 tăng 40% so với năm 2020. Cùng với đó, giá nhiều nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài vào cũng tăng với tốc độ từ 20% - 30%, nên khó khăn chồng chất.

Chi phí tăng đã len lỏi vào trong giá thành tất cả hàng hóa của Việt Nam, trong khi giá đầu ra không theo tăng theo tương ứng. Điều này khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bị giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng khó khăn. Những hỗ trợ dành cho doanh nghiệp vẫn mang tính chất nhỏ giọt. Ví dụ gói hỗ trợ 2% lãi suất, không thấm vào đâu, khi lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng 1% - 1,5%/năm, cùng với thủ tục phiền hà.

Hiện các doanh nghiệp đang chiếm dụng vốn lẫn nhau. Do dòng tiền gặp khó, vốn tín dụng khan hiếm, nên các doanh nghiệp mua hàng của nhau và ghi nợ lên đến khối lượng rất lớn, nhất là trong khu vực xây dựng.

Theo khảo sát của Atradius, tập đoàn cung cấp bảo hiểm tín dụng thương mại, bảo lãnh câp nhật ngày 19/7 cho thấy, bán hàng trả chậm là phương thức phổ biến tại thị trường Việt Nam. Có 58% tổng giá trị giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong những tháng qua được thực hiện bằng hình thức bán hàng trả chậm và có tới 48% các giao dịch này là hóa đơn quá hạn. Trong đó, nợ khó đòi và nợ xấu ở mức cao, dẫn đến nguy cơ rủi ro dòng tiền của nhiều doanh nghiệp.

Cậu chuyện này cộng với thực tế các ngân hàng đang cận room tín dụng, lãi suất tăng cao… nên việc xét duyệt cho vay sẽ khó khăn hơn, chi phí đắt đỏ hơn và nguy cơ sẽ không ít doanh nghiệp sẽ bị đứt dòng tiền kinh doanh.

Cùng chuyên mục
Tin khác