Elizabeth Holmes, nữ tỷ phú tự thân 'tai tiếng' đối diện án tù 20 năm

Hạnh Chi - 04/09/2021 10:22 (GMT+7)

(VNF) - Từng được ví như phiên bản nữ của Steve Jobs, bà Elizabeth Holmes, nữ tỷ phú với startup về xét nghiệp máu Theranos, đối mặt với cáo buộc lừa đảo hàng trăm triệu USD và án tù 20 năm.

Bà Holmes đối diện án tù 20 năm ở tuổi 37.

Theo CNN, bà Elizabeth Holmes, người sáng lập và cựu giám đốc điều hành của công ty xét nghiệp máu Theranos sẽ phải hầu toà trong tuần sau. Sau hơn 3 năm bị truy tố về nhiều cáo buộc gian lận liên bang, phiên tòa xét xử bà Holmes sẽ nhắm vào 12 tội danh lừa đảo liên quan đến hoạt động kinh doanh và công nghệ của Theranos.

Bên cạnh đó, ông Ramesh "Sunny" Balwani, 57 tuổi, cựu COO của Theranos và cũng là người từng có quan hệ tình cảm với bà Holmes, cũng bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố với tội danh lừa đảo. Phiên tòa xét xử ông Balwani dự kiến diễn ra vào đầu năm 2022.

Theo The Guardian, đội ngũ luật sư của bà Holmes đã lên kế hoạch bảo vệ thân chủ trước phiên tòa với luận điểm là bị ông Balwani thao túng tâm trí và hoạt động lừa đảo của công ty Theranos là do ông Balwani chủ mưu. Đội ngũ pháp lý của bà Elizabeth Holmes đã nộp đơn lên tòa án Quận San Jose, California. 

Tuy nhiên, thẩm phán Edward Davila tại Tòa án quận Bắc California đã tách vụ án của bà Holmes và ông Balwani. Các chuyên gia cho rằng đây là động thái bất thường để hai người đổ lỗi lẫn nhau mà bên kia không thể phản kháng.

Phía toà án cho biết công tố đã đệ trình một danh sách nhân chứng được đề xuất gồm gần 280 người. Trong đó có 11 bệnh nhân nói rằng họ bị ảnh hưởng bởi kết quả xét nghiệm không chính xác của Theranos, cũng như 9 bác sĩ sẵn sàng lên tiếng về việc bệnh nhân của họ nhận kết quả chẩn đoán sai từ công ty của bà Holmes.

Nếu bị buộc tội trong phiên toà, bà Elizabeth Holmes sẽ phải đối mặt với 20 năm tù giam, khoản tiền phạt 250.000 USD và tiền bồi thường cho mỗi tội danh của mình.

Từng được ca ngợi là Steve Jobs phiên bản nữ và trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới, bà Holmes thành lập Theranos vào năm 2003 ở tuổi 19 với sứ mệnh cao cả là cách mạng hóa xét nghiệm máu. Theranos từng cam kết với bệnh nhân về khả năng kiểm tra các loại bệnh như ung thư, tiểu đường chỉ bằng cách lấy đi vài giọt máu trên đầu ngón tay.

Theranos nhanh chóng được định giá 9 tỷ USD. Cùng lúc, bà Elizabeth Holmes liên tục xuất hiện trên các trang bìa tạp chí là người phụ nữ tự thân giàu có nhất, từ bỏ Đại học Stanford để thành công gây dựng sự nghiệp.

Theranos còn ký thỏa thuận với chuỗi cửa hàng dược Walgreens và siêu thị Safeway tại Mỹ để cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu trên diện rộng. Một số chính trị gia Mỹ cũng có tên trong hội đồng quản trị của Theranos.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra của Wall Street Journal vào tháng 10/2015 đã dấy lên nhiều nghi vấn về khả năng của máy xét nghiệm máu độc quyền tại Theranos.

Sự giám sát từ cơ quan quản lý và nhà đầu tư đã tiết lộ nhiều điểm nghi vấn về Theranos dẫn đến cáo buộc lừa đảo của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) cũng như vụ kiện từ nhà đầu tư và Walgreens.

Hình ảnh của nữ tỷ phú tài ba Elizabeth Holmes nhanh chóng bị sụp đổ. Năm 2016, Forbes chỉnh sửa số liệu về tài sản của bà từ 4,5 tỷ xuống 0. Năm 2017, Theranos phải trả cho các khách hàng ở bang Arizona số tiền 4,65 triệu USD.

Chỉ 11 tháng sau đó, SEC phạt bà Elizabeth Holmes 500.000 USD, yêu cầu từ bỏ quyền điều hành và nộp lại 19 triệu cổ phiếu Theranos. Bà Holmes bị cấm làm giám đốc của bất kỳ công ty đại chúng nào trong một thập kỷ. Tới tháng 9/2018 Theranos phải tuyên bố giải thể doanh nghiệp.

Xem thêm >> Hãng hàng không quốc gia của Indonesia tiếp tục lỗ hơn 900 triệu USD

Theo CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác