EU cáo buộc Nga ‘bắt nạt’ Moldova vì tăng giá khí đốt gấp 3

Thanh Tú - 29/10/2021 19:49 (GMT+7)

(VNF) - Moldova mới đây đã ban bố tình trạng khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt sau khi “ông lớn” năng lượng Nga Gazprom tăng giá khí đốt gấp 3. Liên minh châu Âu cho rằng đây là hành động “bắt nạt” và sử dụng khí đốt như một “vũ khí chính trị” của Nga.

VNF
Hợp đồng khí đốt của Moldova với Gazprom hết hạn vào cuối tháng 9 vừa qua.

Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, nằm giữa Romania và Ukraine. Quốc gia 2,6 triệu dân này nhận khí đốt từ Nga thông qua Moldovagaz, một công ty liên doanh với Gazprom.

Hợp đồng khí đốt của Moldova với Gazprom hết hạn vào cuối tháng 9 vừa qua. Từ đó đến nay, cả hai vẫn không thống nhất được mức giá mới cũng như các chi tiết khác của thỏa thuận.

Theo Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita, Gazprom không đề nghị gia hạn hợp đồng kéo dài 30 năm mà quyết định tăng giá bán từ 250 USD lên đến 790 USD/1.000m3, tức tăng khoảng 3 lần.

Bà Gavrilita cho biết xét về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, Moldova không thể mua được khí đốt của Nga với giá như vậy.

Chính phủ Moldova hôm 22/10 đã ban bố tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 20/11. Sắc lệnh khẩn cấp mới sẽ cho phép Chisinau tìm mua khí đốt từ những nước châu Âu khác một cách dễ dàng hơn.

Về phía Gazprom, người phát ngôn của tập đoàn này cho biết Moldova đang nợ công ty 709 triệu USD. Gazprom khẳng định sẵn sàng gia hạn hợp đồng với Moldova trong tháng 11 nếu quốc gia này thanh toán đầy đủ cho các nguồn cung cấp tháng 9 và tháng 10.

Điện Kremlin khẳng định công ty Gazprom của Nga không sử dụng các cuộc đàm phán khí đốt để cố gắng đạt được sự nhượng bộ về mặt chính trị.

Không đồng tình với tuyên bố này, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Brussels sau cuộc gặp Thủ tướng Moldova Gavrilita, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho rằng Moldova là nạn nhân của các nỗ lực mà Nga tiến hành nhằm lợi dụng khí đốt như một "vũ khí chính trị".

“Xét trên phạm vi toàn cầu, sự tăng giá khí đốt không phải hệ quả của việc vũ khí hóa nguồn cung, nhưng trong trường hợp của Moldova thì điều này đã xảy ra”, ông Borell nhận xét.

Tổng thống Moldova Natalia Gavrilita hôm 27/10 cho biết nước này đã nhận được khoản hỗ trợ 70 triệu USD EU để giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt đang “nhức nhối”.

Theo bà Gavrilita, khoản tài trợ này giúp Moldova giải quyết những khó khăn do cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là một thông tin tuyệt vời đối với người dân nước này.

Xem thêm >> Doanh thu quý III không như kỳ vọng, vốn hóa Apple và Amazon ‘bốc hơi’ 200 tỷ USD

Theo Politico
Cùng chuyên mục
Tin khác