FDI tháng 1/2018: Vốn mua cổ phần tăng, vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm

Khánh Ngọc - 04/02/2018 08:48 (GMT+7)

(VNF) – Tính riêng tháng 1/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 1,255 tỷ USD, bằng 75,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn mua cổ phần tăng, vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm.

VNF
FDI tháng 1/2018: Vốn mua cổ phần tăng, vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm

Hết tháng 1/2018, cả nước có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 356,04 triệu USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ 2017. 

Trong đó, có 212 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 199,15 triệu USD và 203 lượt góp vốn mua cổ phần mà việc mua lại không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 156,89 triệu USD.

Cũng trong tháng 1, cả nước có 166 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 442,59 triệu USD, bằng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017; có 61 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 456,78 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư đăng ký cấp mới trong tháng 1/2018 nhìn chung giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do trong tháng 1/2017 có nhiều dự án quy mô vốn từ 100 tới gần 300 triệu USD được cấp phép (chiếm hơn 71% tổng vốn đăng ký cấp mới trong tháng 1/2017) trong khi đó trong tháng 1/2018 không cấp phép mới dự án nào trên 100 triệu USD.

Kết thúc tháng 1/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 187,1 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư.

Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,2 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD (chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư).

Tính đến hết tháng 1/2018, có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 58,1 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Nhật Bản với 49,46 tỷ USD (chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư), sau đó lần lượt là Singapore và Đài Loan, British Virgin Island, Hồng Kông.

Hiện tại, TP. HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44 tỷ USD (chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư). Tiếp đến là Bình Dương với 30,4 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư) và cuối cùng là Hà Nội với 27,67 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư).

Cùng chuyên mục
Tin khác