Fecon: Hậu kiểm toán, giá vốn tăng, lợi nhuận 'bay hơi' 44 tỷ

Tân Mai - 01/04/2022 18:10 (GMT+7)

(VNF) - Tại báo cáo tài chính tự lập năm 2021, Fecon (FCN) báo lãi sau thuế đạt gần 115 tỷ đồng, giảm 14,1% so với năm trước, hoàn thành 66% kế hoạch đề ra.

VNF
Kiểm toán điều chỉnh tăng giá vốn, lợi nhuận của Fecon giảm 44 tỷ đồng so với báo cáo tự lập

Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, trong đó chứng kiến một số chỉ tiêu được điều chỉnh so với bản tự lập trước đó của doanh nghiệp.

Trong khi doanh thu thuần vẫn giữ nguyên so với số liệu Fecon báo cáo, đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021 thì chi phí giá vốn tăng thêm 44 tỷ đồng, lên mức 3.014 tỷ đồng. Việc này đã ảnh hưởng tới lợi nhuận gộp của doanh nghiệp, giảm 48 tỷ đồng sau kiểm toán, xuống còn 470 tỷ đồng.

Đó cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm so với báo cáo tự lập, từ gần 115 tỷ đồng về gần 71 tỷ đồng, tức giảm hơn 38%. Như vậy, thực tế lợi nhuận sau thuế Fecon thu về trong năm 2021 đã thấp hơn 53% kết quả của năm trước, hoàn thành khoảng 41% kế hoạch được giao.

Fecon cho biết giá vốn tăng là vì giá nguyên vật liệu biến động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (đặc biệt giai đoạn giãn cách xã hội). Ngoài ra do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian thi công một số công trình kéo dài, phát sinh thêm chi phí dẫn tới ảnh hưởng tiến độ quyết toán giá trị công trình.

Vì thế Fecon đã làm việc với các bên chủ đầu tư, thầu chính về việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng thi công do các yếu tố nêu trên, và thực hiện tính toán lãi gộp trên cơ sở giả định có nguồn bù giá này theo báo cáo tài chính tự lập. Tuy nhiên đơn vị kiểm toán với nguyên tắc thận trọng, thực hiện ghi nhận lãi gộp giảm đi trên quan điểm chưa có bằng chứng chắc chắn về việc được bù giá này từ chủ đầu tư/thầu chính do đó dẫn đến giảm lợi nhuận gộp trong kỳ.

Tại báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết Fecon đã liên tiếp trúng các gói thầu mới trong quý I, chẳng như các gói thầu tại “siêu dự án” nhà máy Hoà Phát Dung Quất giai đoạn II, gói thầu mới tại dự án Grand Mercure... với tổng giá trị ước đạt 500 tỷ đồng.

Cho cả năm 2022, PSI dự báo doanh thu của Fecon đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 57,85% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng là 6,36%. PSI cho rằng động lực tăng trưởng của Fecon tới từ backlog dự án chuyển tiếp từ 2021 đạt xấp xỉ 2.100 tỷ đồng, thêm vào đó việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các dự án dự án cơ sở hạ tầng, trong đó, nguồn vốn đầu tư dành cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng lên tới hơn 113.000 tỷ đồng (chiếm gần 36% tổng số vốn được phê duyệt).

Bên cạnh đó, nguồn công việc vẫn tiếp tục dồi dào khi Fecon dự kiến ký tiếp các hợp đồng thi công mới trong năm 2022 với tổng giá trị ước tính 7.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm các dự án điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.000 MW.

Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động đầu tư của Fecon có thể ghi nhận thêm khoảng 230 tỷ đồng trong năm 2022 khi doanh nghiệp có kế hoạch thoái nốt phần vốn còn lại tại dự án nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Hiện Fecon còn nắm 40% cổ phần tại dự án.

Cùng chuyên mục
Tin khác