G7 chi 600 tỷ USD để kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc
Quỳnh Anh -
27/06/2022 13:04 (GMT+7)
(VNF) - Nhóm G7 đã cam kết huy động 600 tỷ USD từ quỹ tư nhân và công quỹ trong 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng cần thiết ở các nước đang phát triển, nhằm đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc.
Ngày 26/6, trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 thường niên được tổ chức tại Schloss Elmau, miền nam nước Đức, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã khởi động lại chương trình "Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu", được xây dựng để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc với thế giới.
Theo đó, sáng kiến “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu” sẽ được Mỹ tài trợ 200 tỷ USD từ quỹ liên bang và đầu tư tư nhân trong 5 năm để hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nhằm giúp đối phó với biến đổi khí hậu cũng như cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
"Tôi muốn nói rõ. Đây không phải là viện trợ hay từ thiện. Đó là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người", ông Biden nói, đồng thời nói thêm rằng sáng kiến này sẽ cho phép các quốc gia "thấy được những lợi ích cụ thể của việc hợp tác với các nền dân chủ".
Ông Biden khẳng định hàng trăm tỷ USD nữa sẽ được huy động từ các ngân hàng phát triển đa phương, định chế tài chính phát triển, quỹ đầu tư và các tổ chức khác.
Ngoài 200 tỷ USD từ Mỹ, chương trình của G7 sẽ được châu Âu huy động 300 tỷ EUR (316 tỷ USD) để xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho chương trình Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra vào năm 2013, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.
Kế hoạch cũng có sự tham gia của các quốc gia Italia, Canada, Nhật Bản, trong đó một số kế hoạch được công bố riêng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson không có mặt trong buổi họp của G7, nhưng cũng nhất trí tham gia vào chương trình này.
Sáng kến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, được đưa ra hồi năm 2013, là kế hoạch đầu tư của Bắc Kinh liên quan đến việc phát triển và các chương trình tại hơn 100 quốc gia nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại “Con đường Tơ lụa” cổ đại từ châu Á sang châu Âu.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng cho biết kế hoạch này mang lại ít lợi ích cụ thể cho nhiều nước đang phát triển.
Với sáng kiến đối trọng mới của G7, Tổng thống Biden nêu bật một số dự án hàng đầu, bao gồm dự án phát triển năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ USD ở Angola với sự hỗ trợ từ Bộ Thương mại, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ.
Cùng với các thành viên G7 và EU, Washington cũng sẽ cung cấp 3,3 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho Viện Pasteur de Dakar ở Senegal khi tổ chức này phát triển một cơ sở sản xuất đa chủng vắc xin linh hoạt quy mô công nghiệp.
Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng sẽ cam kết lên tới 50 triệu USD trong 5 năm cho Quỹ Khuyến khích Chăm sóc Trẻ em toàn cầu của Ngân hàng Thế giới.
Friederike Roder, phó chủ tịch của nhóm phi lợi nhuận Global Citizen, cho biết các cam kết đầu tư có thể là "một khởi đầu tốt" hướng tới sự tham gia nhiều hơn của các nước G7 vào các quốc gia đang phát triển và có thể củng cố tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn.
Theo bà Roderm các quốc gia G7 hiện mới chỉ cung cấp 0,32% tổng GDP cho hỗ trợ phát triển, thay vì mức 0,7% như đã hứa. Tuy nhiên, “nếu không có các nước đang phát triển, sẽ không có sự phục hồi bền vững của nền kinh tế thế giới”.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.