'Gã khổng lồ' thương mại điện tử Trung Quốc khởi động chiến dịch giảm giá 1,4 tỷ USD

Thuỷ Bình - 06/03/2023 16:32 (GMT+7)

(VNF) - JD.com, công ty thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc, đã chính thức khởi động chiến dịch trị giá 10 tỷ NDT (1,4 tỷ USD) để giảm giá trên các nền tảng mua sắm trực tuyến của mình, nhằm thu hút khách hàng mới trong bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước trong năm 2023.

VNF
JD.com là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc.

Chương trình ưu đãi được công ty công bố trên tài WeChat chính thức, áp dụng cho hàng loạt sản phẩm với nhiều ưu đãi cho cả người bán, người mua cũng như các bên bán hàng trung gian. Được biết, kế hoạch đã được JD.com đưa ra từ tháng trước, nhưng tới nay mới chính thức được thực hiện.

Chiến dịch ưu đãi của JD đã làm dấy lên mối lo ngại rằng các đối thủ lớn hơn trong ngành như Alibaba Group Holding hoặc PDD Holdings (sở hữu ứng dụng Temu đang "làm mưa làm gió" tại Mỹ), có thể đưa ra các chương trình cạnh tranh tương tự và châm ngòi một "cuộc chiến giá cả". Nỗi lo ngại này thậm chí đã kéo giá cổ phiếu JD.com và Pinduoduo, một ứng dụng thương mại điện tử nổi tiếng nhờ giá rẻ, xuống thấp trong suốt tuần vừa qua.

Tuy nhiên, trái với nỗi lo ngại về một cuộc chiến giá cả tiềm tàng có thể xảy ra, đại diện Alibaba đã tuyên bố sẽ không "giao chiến" với JD, đồng thời cảnh báo rằng việc quay trở lại cuộc chiến giá cả của những năm trước sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

“Trợ cấp giá không có gì mới. Tôi nghĩ nếu xem lại lịch sử, thì không có ai từng đạt được thành công bằng cách dựa vào trợ giá”, Tổng giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang cho biết.

Chiến dịch của JD.com diễn ra với hy vọng sẽ chiếm được nhiều thị phần thương mại điện tử hơn hiện nay, với kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi nhiều hơn sau tác động của Covid-19. Tuy nhiên, nước này vừa công bố mục tiêu tăng trưởng chỉ 5% trong năm nay, một trong những mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

JD.com dự kiến ​​sẽ công bố thu nhập quý IV năm tài chính 2022 vào thứ Năm tuần này (9/3).

Trước đó, năm 2020, Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch trấn áp nhằm kiềm chế “việc mở rộng vốn một cách liều lĩnh”, ảnh hưởng đến các lĩnh vực từ thương mại điện tử đến giáo dục trực tuyến, khiến nhiều công ty công nghệ rơi vào tình trạng khó khăn đủ đường, điển hình là tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma. 

Tình trạng chỉ vừa bắt đầu cải thiện từ cuối năm 2022, khi chính phủ đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế với mục đích vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, niềm hi vọng vực dậy của các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc chưa kéo dài được lâu, thì tình hình ảm đạm của bối cảnh kinh tế thế giới cũng sư sự cạnh tranh trong nước đã mang tới nhiều nỗi lo mới.

Robert Lea, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết: “Do cơ hội kinh doanh tại nước ngoài của các công ty internet Trung Quốc đã bị thu hẹp, họ sẽ khó kinh doanh ở nước ngoài hơn trong tương lai. Do đó, họ sẽ tập trung hơn vào thị trường nội địa để tăng trưởng, dẫn đến cạnh tranh gia tăng, bao gồm cả về giá cả”. 

Xem thêm >> JD.com trở thành nền tảng trực tuyến đầu tiên chấp nhận tiền điện tử Trung Quốc

Theo Strait Times, Tech in Asia
Cùng chuyên mục
Tin khác