Việc đồng USD, vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn, mạnh lên có thể gây cú sốc lớn cho kinh tế thế giới
Trong phiên giao dịch ngày 28/9 (giờ địa phương), chỉ số USD, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với các tiền tệ chủ chốt khác - đã vượt mức 114,7 điểm, ngưỡng cao nhất kể từ năm 2002.
Ông Maurice Obstfeld, cựu nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định việc đồng USD, vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn, mạnh lên có thể gây cú sốc lớn cho nền kinh tế thế giới.
Bất cứ khi nào dòng vốn chuyển hướng đến hoặc rời khỏi Mỹ, phần còn lại của thế giới đều bị ảnh hưởng do vai trò của thị trường vốn của nền kinh tế số 1 thế giới và giá trị đồng USD lớn hơn nhiều so với quy mô nền kinh tế nước này.
Với việc chỉ số USD tăng lên mức cao mới hôm 28/9, giá đồng EUR đã giảm xuống mức 0,956 EUR đổi 1 USD trong khi giá đồng AUD của Úc giảm 1%. Giá đồng bảng Anh cũng giảm xuống mức 1,067 bảng Anh đổi 1 USD trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 20 năm và 30 năm tăng trên 5%, đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua trong phiên giao dịch hôm 28/9 (giờ địa phương).
IMF cho rằng các biện pháp kinh tế mới của chính phủ Anh, nguyên nhân khiến giá đồng bảng Anh lao dốc, có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng.
Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng hôm 23/9 công bố cắt giảm thuế mạnh mẽ nhất trong vòng 50 năm, bao gồm bãi bỏ mức thuế thu nhập 45% đối với các khoản thu nhập trên 150.000 bảng Anh (khoảng 160.000 USD).
Khoản hỗ trợ thuế sẽ được lấy từ nguồn vay chính phủ lên tới hàng chục tỷ bảng Anh. Mặc dù chính phủ Anh khẳng định kế hoạch này tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng nó đã châm ngòi cho sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Theo hãng tin Reuters, kế hoạch "Ngân sách nhỏ" của ông Kwarteng được đưa ra nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp thanh toán chi phí năng lượng, đồng thời giúp tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Theo đó, chính phủ Anh sẽ cần vay thêm 72 tỷ bảng Anh (khoảng 77,17 tỷ USD) trong vòng 6 tháng tới.
Một phát ngôn viên của IMF cho rằng do áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia, bao gồm Anh, tổ chức này không khuyến nghị các gói tài chính lớn và không có mục tiêu vào thời điểm hiện nay.
Đáp lại tuyên bố của IMF, nhà kinh tế trưởng Huw Pill của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết BOE sẽ đưa ra mức tăng lãi suất cao đáng kể trong cuộc họp vào tháng 11 tới.
Theo hãng tin Bloomberg, đồng NDT cũng lao dốc, xuống mức 7,2 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 14 năm qua. Nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm trong những tháng gần đây do các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19, hạn hán và sự suy yếu của thị trường bất động sản.
Giới chức Trung Quốc cho rằng đồng NDT giảm giá nhanh phần lớn là do USD tăng mạnh chứ không phải do các vấn đề kinh tế trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ sớm giảm tốc độ nới lỏng tiền tệ để kiểm soát đà giảm giá của đồng nội tệ.
Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh đã khiến Bắc Kinh phải công bố một loạt biện pháp nới lỏng định lượng trong những tháng gần đây để kích thích kinh tế nhưng điều đó lại gây sức ép lên giá đồng NDT trong bối cảnh FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự khác biệt về chính sách giữa PBOC và FED đã thúc đẩy dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, khiến đồng NDT giảm giá.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone