Giá vàng tăng cao, 'nữ hoàng' số 1 tích trữ tính cú lớn đầu năm
V.Hà -
04/02/2020 07:25 (GMT+7)
Doanh nghiệp của đại gia vàng bạc đá quý số 1 Việt Nam lần đầu tiên kiếm lời ngàn tỷ và đang bước vào mùa cao điểm với cú đánh cược vài ngàn tỷ cho dù dịch bệnh do virus corona đang hoành hành.
Cổ phiếu PNJ vẫn đang ở vùng đỉnh và dường như những thách thức trong vài năm qua không thể cản trở được bà trùm kim tiền.
Cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung chứng kiến 2 phiên giảm mạnh, mỗi phiên giảm 3,9% ngay trước ngày vía Thần Tài. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn ở vùng đỉnh cao trong vòng gần 2 năm qua.
So với đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp hồi đầu 2018, cổ phiếu doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đã giảm khá nhiều, kỷ lục vốn hóa 1 tỷ USD đã rời xa. Tuy nhiên, nhưng so với 4 năm trước, giá cổ phiếu PNJ vẫn còn tăng khoảng 4 lần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp rất ấn tượng.
Trong năm 2019 vừa qua, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính, PNJ ghi nhận doanh thu thuần trong 2019 đạt 17 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.190 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 17% và 24% so với năm trước đó.
Cũng theo báo cáo, lượng hàng tồn kho của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tính tới cuối 2019 tăng mạnh 41% so với đầu năm lên gần 7,02 ngàn tỷ đồng. Đây là hiện tượng thường thấy của doanh nghiệp này khi vào mùa cao điểm tiêu thụ vàng trước Tết Nguyên đán và ngày vía Thần Tài (10/1 âm lịch). Thống kê cho thấy, quý 1 hàng năm bao giờ cũng là giai đoạn kinh doanh cao điểm nhất của PNJ.
Sở dĩ PNJ hay một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý như DOJI, Bảo Tính Minh Châu, Phú Quý… có kết quả kinh doanh tốc và tăng trưởng đều đặn là bởi nền kinh tế Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài vào nhiều, thu nhập người dân tăng đều, dân số đông và các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh bán hàng.
Nhu cầu vàng miếng trong vài năm gần đây giảm mạnh do giá lên cao và tình trạng đầu cơ vàng suy giảm nhưng nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh, nhất là vào dịp lễ tết và ngày vía Thần tài các năm.
Trong năm 2018, đại diện PNJ từng cho biết, trong một ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu trên cả hệ thống đạt 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước đó.
Còn năm nay, Thần Tài Canh Tý, theo Bảo Tín Minh Châu, số lượng khách đặt mua trước trong những ngày vừa qua tăng cao, đặc biệt là các đại lý ở các tỉnh. Khách lẻ tại Hà Nội đặt cũng tăng lên. Đến thời điểm này lượng khách đặt mua trước tăng khoảng 20 -30% so với cùng kỳ năm 2019.
Số lượng vàng bán ra tăng lên trong bối cảnh giá vàng lên đỉnh cao mới, cao nhất trong 10 năm ngay trước ngày vía Thần Tài với vàng miếng nhiều lúc đã vượt qua mốc 45 triệu đồng/lượng, trong khi vàng Thần Tài còn cao hơn 500 ngàn đến 1 triệu đồng/lượng và dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) vẫn đang khó lường.
Những mặt hàng vàng Thần Tài được các doanh nghiệp bán trong ngày Vía Thần Tài thường là nhẫn tròn trơn các bản vị từ 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ, 3 chỉ, 5 chỉ, 10 chỉ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua vàng cầu may và làm vốn, giữ tài sản trong ngày Lộc Thần Tài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra rất nhiều trang sức vàng ta, vàng tây đặc sắc như: tượng vàng Thần Tài, đĩnh vàng Tài lộc, nhẫn kim tiền, charm tì hưu, trang sức vàng ta gắn đá ngọc quý theo phong thủy tháng sinh, tuổi mệnh mang đến vận may, tài lộc...
Xu hướng nhiều năm gần đây thay vì mua các vật phẩm khác thì người dân thường chọn mua các sản phẩm bằng vàng như: trang sức bằng vàng ta, vàng tây gắn đá ngọc quý thiên nhiên, nhẫn tròn trơn để cầu tài, cầu lộc, giữ của, vừa để đeo làm đẹp, làm sang vừa mang lại may mắn cho cả năm.
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ trang sức tại Việt Nam là rất lớn. Việc thị trường đang khá phân mảnh cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp quy mô lớn.
Trong báo cáo được công bố, CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá xu hướng gia tăng số lượng tầng lớp trung lưu và thu nhập cao ở Việt Nam sẽ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm trang sức có thương hiệu với chất lượng sản phẩm và dịch vụ vượt trội. Tiềm năng của các sản phẩm trang sức có thương hiệu là rất lớn khi phần lớn nhu cầu thị trường vẫn nằm tại các cửa hàng nhỏ lẻ với chất lượng không đồng nhất (60-70% thị phần).
Việc cải thiện của mức thu nhập khả dụng cũng góp phần phát triển nhu cầu với các sản phẩm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sống cả về vật chất và tinh thần. Điều này sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các thương hiệu sản phẩm cao cấp, bao gồm mặt hàng trang sức với thiết kế đầy tinh xảo bên cạnh các chất liệu vượt trội.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 3/1 chỉ số VN-Index tiếp tục tụt giảm sau 2 phiên lao dốc trước đó.
Nhiều tỷ phú tiếp tục mất tiền như bà Nguyễn Thị Phương Thảo với cổ phiếu Vietjet tiếp tục giảm sàn, HDB giảm điểm; ông Phạm Nhật Vượng (cổ phiếu VIC, VHM, VRE), ông Nguyễn Đăng Quang (MSN), ông Nguyễn Đức Tài (MWG), ông Bùi Thành Nhơn (NVL), ông Hồ Hùng Anh (TCB)…
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index đang có chuyển biến xấu về mặt xu hướng trung hạn sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng 945-946 điểm. Áp lực điều chỉnh của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn và nếu không thể giữ được ngưỡng 936 điểm thì nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 910-920 điểm. Trong kịch bản thị trường xuất hiện phản ứng hồi phục kỹ thuật tại vùng điểm hiện tại, chỉ số sẽ quay lại thử thách vùng 945-946 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/1, VN-Index giảm 22,96 điểm xuống 936,62 điểm; HNX-Index giảm 1,75 điểm xuống 102,36 điểm. Upcom-Index giảm 0,6 điểm xuống 55,13 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,5 ngàn tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.