Tài chính

Giải mã đà tăng bằng lần của cổ phiếu IDI

(VNF) - Bắt đầu tăng tốc từ mức giá 7.500 đồng/cổ phiếu vào phiên 22/10, đến nay chỉ trong vòng 1 tháng, cổ phiếu IDI đã tăng trần trong phiên 24/11 và cán mốc 21.250 đồng/cổ phiếu, tức tăng gấp 2,8 lần. Ngoài việc hưởng lợi từ sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, sức mạnh nội tại của doanh nghiệp được cho là động lực chính bổ trợ cho đợt tăng phi mã này.

Giải mã đà tăng bằng lần của cổ phiếu IDI

Giải mã đà tăng bằng lần của cổ phiếu IDI

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HoSE: IDI) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về chế biến và xuất khẩu cá tra. IDI hiện có hơn 400ha ao nuôi chủ động và hợp tác với nông dân nuôi gia công cho doanh nghiệp, qua đó chủ động sản xuất con giống và tự chủ về nguồn thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, lãnh đạo IDI từng chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra này sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời tự lắp đặt 2 MW, kết hợp với chuỗi sản xuất khép kín cho nên giá thành đã được tiết giảm tối đa, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá đối với các doanh nghiệp cùng ngành.

Đơn cử như trong 3 quý đầu năm 2021, giá cá tra xuất khẩu của IDI chỉ dao động ở mức 2,1 - 2,2, USD/kg. Mặc dù có thời điểm giá cá xuống thấp, đồng thời dịch bệnh khiến các chi phí vận hành, sản xuất "3 tại chỗ", chi phí cước vận tải biển leo cao... song kết quả kinh doanh của IDI vẫn không giảm sút quá mạnh, doanh nghiệp vẫn mang về 58 tỷ đồng lãi sau thuế trong 9 tháng đầu năm, chỉ thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này phản ánh rằng IDI đã xây dựng được một hệ sinh thái từ sản xuất con giống, cho tới chế biến, xuất khẩu khá hoàn chỉnh.

Đà tăng tốc của cổ phiếu IDI bắt đầu từ phiên 22/10 với giá đóng cửa ở mức 7.500 đồng/cổ phiếu. Đến nay, chỉ sau 1 tháng, cổ phiếu IDI đã tăng một mạch lên 21.250 đồng/cổ phiếu với phiên tăng trần ấn tượng ngày 24/11. Như vậy, giá cổ phiếu đã tăng gấp 2,8 lần, trong khi đó chỉ số VNINDEX chỉ tăng khoảng 7% ở cùng giai đoạn.

Yếu tố hỗ trợ cho đà tăng này có thể tới từ việc giá cá xuất khẩu đang được cải thiện mạnh mẽ. Theo đó, hiện giá cá xuất khẩu trên thị trường đã lên mức 2,8 - 3 USD/kg, cao hơn khoảng 30% so với mức giá bình quân giai đoạn 9 tháng vừa qua.

Trong nước, giá cá cũng tăng mạnh từ 17.000 đồng/kg lên 23.500 đồng/kg và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức 28.000 đồng/kg trong thời gian tới. Đó là chưa kể, nếu giá cá xuất khẩu tiếp tục tăng thì lợi nhuận của IDI nhiều khả năng cũng sẽ tăng theo, ước tính lợi nhuận quý IV có thể tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong trường hợp hoạt động sản xuất duy trì bình thường.

Là doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu, tình hình giá cước vận tải biển hạ nhiệt cũng là động lực tăng trưởng đối với IDI. Cụ thể, ban lãnh đạo IDI cho biết, cước vận tải biển đã giảm 50 - 60% so với giai đoạn trước đó, dự kiến có thể tiết giảm chi phí khoảng 30 tỷ đồng/quý cho doanh nghiệp.

IDI cũng hưởng lợi khi có số lượng hàng tồn kho lớn. Doanh nghiệp chi biết, trong đợt dịch, do nhiều đơn vị trong ngành cá tra không xuất khẩu được, với lợi thế có nhiều kho lạnh, IDI đã thu mua lại của các đơn vị này với lượng cá khoảng 1.400 tỷ đồng, tương ứng giá cá khoảng 17.000 đồng/kg, thì đến nay, giá cá đã tăng hơn 30%, riêng khoản tồn kho này đã đem lại cho IDI khoảng 400 tỷ đồng.

Đợt dịch kéo dài trong suốt 2 năm ròng cũng khiến nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra lao đao, cắt giảm quy mô hoạt động và thậm chí buộc phải rời khỏi thị trường. Môi trường cạnh tranh không còn quá gay gắt sẽ là điểm sáng của IDI trong thời gian tới, giúp cải thiện mức giá xuất khẩu và tạo điều kiện phát triển, mở rộng quy mô.

Lãnh đạo IDI kỳ vọng, trong thời gian tới, các động lực này sẽ đem về cho doanh nghiệp khoản lợi nhuận lên tới 1.000 tỷ đồng, qua đó đưa mức lợi nhuận dự kiến ngang hàng với các "ông trùm" về xuất khẩu cá tra trên thị trường.

Tin mới lên