Giám đốc Sở Công thương TP. HCM Phạm Thành Kiên chỉ ra 6 cơ hội làm ăn của doanh nghiệp

Hải Nguyễn - 18/06/2020 19:55 (GMT+7)

(VNF) - Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP. HCM, đánh giá trong thời gian qua, trên thị trường có 6 cơ hội, cũng như bài học kinh nghiệm cho cả doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý nhà nước.

VNF
Giám đốc Sở Công thương TP. HCM Phạm Thành Kiên.

Về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại TP. HCM, theo ông Phạm Thành Kiên, các ngành trụ cột là động lực cho tăng trưởng kinh tế thành phố cũng chính là những ngành gặp nhiều khó khăn trong điều kiện hiện nay.

Ví dụ, ngành bán lẻ có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động là 87,1%, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

4 ngành công nghiệp trọng yếu cũng đang gặp khó khăn qua từng giai đoạn. Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và các hội ngành hàng, giai đoạn từ đầu năm đến hết tháng 4/2020, khó khăn chủ yếu là tình hình khan hiếm nguyên liệu, các vấn đề về tài chính do gián đoạn sản xuất, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp… 

Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là công tác trọng tâm của Sở Công Thương TP. HCM từ nay đến cuối năm 2020. 

TP. HCM đang triển khai nhiều chương trình kích cầu mua sắm.

Hiện sở đang triển khai cùng lúc 2 nội dung: Một là, thường xuyên cập nhật, xác định nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp. Hai là, mở rộng thị trường trong nước, triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung. 

Đánh giá về cơ hội làm ăn của doanh nghiệp TP. HCM, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông Kiên có 6 cơ hội, cũng như bài học kinh nghiệm cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Một là, tuy sản lượng công nghiệp giảm so cùng kỳ nhưng đó là sự phản ứng, điều tiết sản xuất của doanh nghiệp theo tín hiệu thị trường. Thực tế, sản lượng công nghiệp trong 5 tháng qua của các ngành chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu và đặc biệt là ngành sản xuất hàng điện tử vẫn tăng khá (tăng 11,8%). Điều đó đã góp phần đảm bảo cung - cầu hàng hóa trên thị trường, hạn chế tình trạng tồn kho cao do doanh nghiệp không nắm bắt nhu cầu thị trường, hoặc tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ mà trước đây chúng ta đã từng gặp phải.

Hai là, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm phát triển thị trường trong nước, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 5 tháng đầu năm vẫn duy trì tăng trưởng khá 8,4% so cùng kỳ. Điều này cho thấy, một mặt sức mua và khả năng tiêu dùng trong dân còn khá, mặt khác cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Ba là, thói quen, hành vi lựa chọn kênh mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi và kéo theo đó là sự thay đổi của hệ thống phân phối cho phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Qua khảo sát, mãi lực tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố  trong 5 tháng đã tăng trên 10% so cùng kỳ.

Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến, là cơ hội tốt để phát triển thương mại điện tử và cũng góp phần tiêu thụ hàng hóa trong nước. Lĩnh vực kinh doanh mua sắm trực tuyến cũng đang phát triển mạnh, doanh thu bán hàng qua internet (email và website) chiếm 42,1% trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng thẻ thanh toán, chuyển khoản (không dùng tiền mặt) khi mua hàng đạt 30,8%. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư chiều sâu cho việc vận hành website thương mại điện tử; 33% doanh nghiệp đã xây dựng website độc lập với các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Đây là các điểm sáng cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Bốn là, tính liên kết của doanh nghiệp ngày càng được phát huy. Cụ thể, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau, giữa các doanh nghiệp sản xuất - nhà phân phối, giữa doanh nghiệp TP. HCM với doanh nghiệp các tỉnh thành; sự tham gia của doanh nghiệp đối với các chương trình, chính sách hỗ trợ của thành phố ngày càng nhiều; các doanh nghiệp cũng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Năm là, cùng với xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về Việt Nam, sẽ mang đến vừa cơ hội vừa thách thức; trong đó một số doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố sẽ tận dụng được cơ hội trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn này.

Cuối cùng, dịch Covid-19 cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Về phía cơ quan nhà nước, đây cũng là dịp để tái cấu trúc các ngành kinh tế, trong đó thành phố cần xác định lại các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong giai đoạn tới 2021-2025 cần được định hướng phát triển, cũng như xác định lại vai trò hết sức quan trọng của thị trường bán lẻ.

Ông Phạm Thành Kiên cũng nhấn mạnh, thời gian tới, cần hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt cho hệ thống kho, điểm trung chuyển hàng hóa của các sàn giao dịch thương mại điện tử quy mô lớn (như Tiki, Sen Đỏ, Lazada, Shopee), các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giao nhận hàng trên địa bàn; tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua việc xây dựng và triển khai Quy định về kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP. HCM giai đoạn 2021-2025… 

Cùng chuyên mục
Tin khác