Góc nhìn chứng khoán: Bẻ ngược chỉ số vì đáo hạn phái sinh

Song Tử - 16/04/2020 16:45 (GMT+7)

(VNF) - Đà giảm trong phiên hôm nay của các chỉ số bất ngờ được bẻ ngược lên về cuối phiên. Những pha đẩy lên hay ép xuống như vậy thường xuyên xuất hiện trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh chỉ số.

VNF
Diễn biến của chỉ số VN30-Index trong phiên hôm nay thể hiện rất rõ một nhịp kéo đột ngột lúc đóng cửa.

Hôm nay 16/4 là ngày đáo hạn hợp đồng kỳ hạn tháng 4. Cả ngày thị trường giao dịch yếu và các chỉ số, nhất là VN30-Index, chủ yếu giảm điểm. Tuy nhiên đến lúc đóng cửa, cả VN-Index lẫn VN30-Index đều được đánh ngược lên thành tăng, thậm chí nhảy nhiều điểm.

Ví dụ chỉ số VN30-Index trước phiên ATC đang ở 721,5 điểm, giảm dưới tham chiếu 1,3 điểm. Hiện tượng kéo mạnh giá một số cổ phiếu có khả năng “lái” chỉ số đã giúp VN30-Index đóng cửa bật lên 726,57 điểm, tăng 3,77 điểm. Do là ngày đáo hạn nên giá thanh toán của hợp đồng phái sinh sẽ là điểm số của VN30-Index. Nói cách khác, một lần giao dịch ATC đã kéo thêm cho hợp đồng phái sinh hơn 5 điểm lãi nữa.

Hiện tượng co kéo chỉ số trong ngày đáo hạn phái sinh thường không theo một khuôn mẫu nào, hoặc ít nhất là chưa có một thống kê xác suất cụ thể. Tuy nhiên với xu hướng thị trường đang đi lên, cộng với mức chênh lệch cơ sở quá lớn suốt từ đầu tháng 4 đến gần đây thì khả năng chỉ số được kéo tăng là lớn hơn giảm.

Thực vậy, khi VN30-Index tạo đáy ngày 31/3 vừa qua thì chênh lệch giữa giá hợp đồng tương lai tháng 4 với chỉ số cơ sở lên tới 32 điểm. Thậm chí đến 4 ngày trước khi đáo hạn hôm nay, chênh lệch cơ sở vẫn hơn 16 điểm.  Vì vậy nếu nhà đầu tư giữ vị thế Long từ đầu tuần thì cần một diễn biến tăng để duy trì tối đa lợi nhuận. Dĩ nhiên cũng có nhiều trường hợp ngày đáo hạn, các chỉ số bị dìm xuống thê thảm nếu như vị thế trước đó là Short.

Các tác động bẻ chỉ số kiểu này phụ thuộc nhiều vào xu thế thị trường hiện tại. Chẳng hạn đến hôm nay thị trường vẫn đang trong xu thế đi lên khá mạnh. Vì vậy lực cầu mua dồn vào một số cổ phiếu dễ thu hút được sự trợ giúp từ các giao dịch thông thường mà ít bị cản trở từ phía bán ra. Các cổ phiếu được đẩy giá mạnh lúc ATC hôm nay là VJC, VNM, TCB, VRE, VPB, BID, VCB. Điều đương nhiên là rất khó phân định giữa lực mua thông thường với lực mua đẩy giá phục vụ đáo hạn phái sinh. Tuy nhiên sự khác biệt ở đây là các cổ phiếu vốn hóa lớn trong chỉ số VN30-Index (chỉ số cơ sở của phái sinh) khác với cổ phiếu vốn hóa lớn của VN-Index. Chẳng hạn, đẩy giá SAB, GAS sẽ có lợi cho VN-Index nhưng lại không có lợi cho VN30-Index bằng đẩy giá VJC, TCB hay VPB.

Biến động trong ngày đáo hạn phái sinh do có khả năng bị chi phối, nên nhà đầu tư thường nhìn với con mắt thận trọng. Điều quan trọng là các giao dịch này nếu có, chỉ mang tính thời điểm. Nếu bỏ qua phiên ATC thì hôm nay thị trường rơi vào xu thế giảm khá rõ. Nhịp phục hồi duy nhất đáng kể là đầu phiên chiều, nhưng sau đó cũng thất bại. Các chỉ số điều giảm điểm trước khi bước vào đợt đóng cửa.

Thanh khoản cũng là yếu tố đáng chú ý, khi các giao dịch khớp lệnh vẫn đang đà đi xuống. Hôm nay nếu không có hơn 1.400 tỷ đồng thỏa thuận rất lớn ở MSN, EIB, VNM, GEX... và nhiều cổ phiếu khác thì quy mô giao dịch tương đối thấp. Mức khớp lệnh 3.422 tỷ đồng hôm nay là kém nhất 6 phiên. Trong một xu thế đi lên đang mạnh mẽ và bất ngờ, thanh khoản giảm đi trong vài ngày qua cho thấy tâm lý thận trọng bắt đầu xuất hiện.

Cùng chuyên mục
Tin khác