Góc nhìn chứng khoán: Điều chỉnh là mua?

Song Tử - 22/04/2020 16:53 (GMT+7)

(VNF) - Hôm nay thị trường xuất hiện lực cầu bắt đáy đẩy cổ phiếu phục hồi khá ấn tượng. Tuy VN-Index tăng trở lại không nhiều nhưng cổ phiếu lại lên giá đáng kể.

VNF
Thị trường có một phiên phục hồi với thanh khoản suy giảm đáng kể.

Chỉ số chính đóng cửa ở mức 768,92 điểm, trên tham chiếu 0,27% tương đương khoảng 2 điểm. So với mức giảm hơn 28 điểm hôm qua thì mức tăng này là quá nhỏ. Điểm tích cực cần nhìn nhận là khả năng thoát đáy rất tốt. VN-Index phục hồi từ mức sâu nhất gần 750 điểm. Như vậy chỉ số đã đi lên tới 2,5%.

Thống kê cho thấy cổ phiếu phục hồi mạnh hơn nhiều, thậm chí rất nhiều mã “ăn đậm” nếu nhà đầu tư dũng cảm mua đúng đáy. Chẳng hạn HSX có hơn 130 mã đem lại lợi nhuận vượt 5% ngay trong ngày. Dĩ nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng mua được đúng đáy và thanh khoản tại giá đáy cũng không nhiều. Tuy nhiên mức phục hồi trong phiên 5% là rất mạnh.

Sau nhiều phiên dao động của thị trường tương đối nhỏ thì hai hôm nay biên độ bắt đầu tăng cao. Hôm qua dao động theo hướng xấu là giảm mạnh dần thì hôm nay ngược lại, thị trường phục hồi tăng dần. Dao động lớn nên độ hấp dẫn ngắn hạn cũng tăng theo. Nếu nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu để giao dịch thì khả năng lướt sóng T0 hôm nay là đáng kể.

Các biến động mạnh trong một ngày phù hợp hơn với giao dịch lướt sóng siêu ngắn vì những cổ phiếu hôm nay tăng giá cũng chưa đủ để bù lỗ cho T+3. Ví dụ sàn HSX phiên này chỉ có 90 cổ phiếu có giá đóng cửa tăng so với mức cách đây 3 phiên, tức là nhà đầu tư ngắn hạn không bị lỗ khi hàng về. Thị trường mới vừa rời đỉnh ngắn hạn của nhịp phục hồi kỷ lục nên triển vọng đi cao hơn vẫn chưa rõ ràng. Nếu nhà đầu tư say sưa với giao dịch lướt sóng thì vẫn có nguy cơ bị lỗ trong vài ngày tới nếu mua hôm nay.

Khi giá cổ phiếu giảm, lực cầu bắt đáy xuất hiện nghĩa là vẫn còn khá nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào xu hướng tăng hiện tại sẽ còn tiếp diễn và mức điều chỉnh hai hôm nay chỉ là nhịp lùi trong quá trình tăng kéo dài hơn. Sau 3 phiên liền trước giao dịch rất lớn (bình quân tới hơn 5.100 tỷ mỗi ngày riêng khớp lệnh), có lẽ áp lực bán ngắn hạn cũng đã giảm đi.

Các phiên phục hồi sớm nhờ cầu bắt đáy như hôm nay mang tính kỹ thuật nhiều hơn là tín hiệu của việc kết thúc điều chỉnh. Đặc trưng là thanh khoản thường nhỏ, do chỉ có một bộ phận nhà đầu tư quyết định mua hoặc lướt sóng nhanh. Ví dụ các nhà đầu tư vừa chốt lời hôm qua sẽ không phải tất cả chọn cách quay lại mua hôm nay. Quy mô giao dịch phiên này chỉ tương đương 70% mức giao dịch tại đỉnh cũng như mức chiết khấu đối với các giao dịch mua mới hoàn toàn là chưa nhiều so với cách đây vài phiên.

Mức rủi ro đối với thị trường cũng tạm thời giảm xuống và áp lực ngắn hạn do giá tăng nhanh mới là lực cản chính. Việc cách ly xã hội cũng đang được dỡ bỏ từng phần, biến động của thị trường quốc tế cũng không còn sốc giống hôm qua. Nhà đầu tư hoàn toàn có lý do để tin vào thị trường sẽ không điều chỉnh sâu.

Vấn đề khó nhất chính là liệu những nhà đầu tư có niềm tin mạnh mẽ đó đủ áp đảo thị trường hay không? Trên thị trường lúc nào cũng có hai quan điểm đối lập nhau và từ đó mới nảy sinh giao dịch. Người bán nghĩ rằng mình đang thoát khỏi rủi ro trong khi người mua nghĩ mình mua vào cơ hội. Nhịp điều chỉnh đầu tiên sau khi thị trường tạo đỉnh luôn nảy sinh xung đột về quan điểm. Nếu những người muốn thoát ra đã thoát hết và lực cầu vẫn khỏe thì thị trường hoàn toàn có cơ hội tăng tiếp. Ngược lại, những người kẹt tại đỉnh không còn tiền mua thêm trong khi người đã chốt lời vẫn đứng ngoài thì những phiên tăng sẽ chỉ có được thanh khoản rất hạn chế và lực đỡ suy yếu dần sau đó.

Hiện tại các yếu tố như kết quả kinh doanh hầu như không tác động được vào giá vì đa số cổ phiếu cũng vừa tăng tốt. Kỳ vọng sau khi dỡ bỏ cách ly và hoạt động sản xuất kinh doanh tăng tốc trở lại mới là động lực chính của thị trường. Đây là kỳ vọng chung của tất cả các thị trường chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy vậy nếu cổ phiếu quay trở lại tương đương hoặc gần bằng mức giá trước khi phản ánh rủi ro đình đốn vì dịch bệnh thì là điều phi lý. Đơn giản là ngay cả khi dỡ bỏ cách ly xã hội, doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian hơn mới có thể phục hồi trở lại tương đương trước dịch vì yếu tố thị trường cũng như quan điểm phòng thủ của người tiêu dùng.

Cùng chuyên mục
Tin khác