Góc nhìn chứng khoán: Lắng nghe dòng tiền

Song Tử - 26/05/2020 17:06 (GMT+7)

(VNF) - VN-Index lại có thêm một phiên tăng điểm nữa và kéo dài nhịp tăng hiện tại lên 7 phiên mà mới điều chỉnh duy nhất một phiên. Nhịp tăng này đã liên tục dài hơn đầu tháng 4 vừa qua.

VNF
VN-Index đang có nhịp tăng dài kỷ lục với mức điều chỉnh tối thiểu.

Thông thường thị trường tăng liên tục kéo dài sẽ rất dễ quay đầu điều chỉnh. Nhiều nhà đầu tư nghĩ như vậy và suốt đường tăng vẫn luôn có các phiên xả hàng lớn. Tuy nhiên thị trường vẫn cứ tăng cao hơn, tức là những người thoát ra trở thành lỡ nhịp.

Trong xu thế giảm luôn có người bắt đáy quá sớm và trong xu thế tăng luôn có người lỡ bán non. Tuy lời lỗ khác nhau nhưng hiệu ứng thì giống nhau: Làm gia tăng quán tính đang diễn ra của thị trường. Nếu là giảm, người cắt lỗ quay vòng lần lượt sẽ đẩy thị trường giảm sâu hơn, tìm đáy mới. Trong xu thế tăng, sự nuối tiếc sẽ thôi thúc dòng tiền quay lại và đẩy giá cao hơn.

Thị trường hiện tại đang khiến những nhà đầu tư chốt lời sớm rơi vào tình thế “kẹp tiền” và phải đối diện với sự thất vọng hàng ngày: Mong thị trường giảm nhưng thị trường lại tăng; bối rối trước sự “vô lý” của thị trường; nghi ngờ khả năng phân tích của chính mình; phải chịu sự mỉa mai từ những người còn cổ... Đó là sức ép vô hình rất lớn nên việc xoay đảo dòng tiền, thoát ra rồi vào lại liên tục cũng không có gì lạ.

Cứ nhìn vào giao dịch của khối tự doanh các công ty chứng khoán từ đầu tháng 4 tới giờ thì việc mua bán cũng “loạn xạ” khi bán ròng cả ngàn tỷ trong tháng 4 rồi quay lại mua ròng mạnh trong tuần đầu tháng 5. Tuần kế tiếp lại bán ròng mạnh gấp đôi rồi tuần sau đó lại quay lại mua ròng.... Xu hướng tăng hiện tại mạnh và kéo dài hiếm có trong lịch sử gần đây, thậm chí các thị trường thế giới còn ở mức kỷ lục nhiều thập kỷ. Rất nhiều các phân tích đều phải thay đổi mục tiêu kịch bản mỗi khi thị trường tăng vượt dự kiến.

Câu nói hợp lý trong hoàn cảnh này có lẽ là “thị trường luôn điên rồ lâu hơn dự kiến” vì dòng tiền đang quá mạnh. Tháng 4 vừa qua số tài khoản mở mới còn cao vượt cả kỷ lục tháng 3 và có thể tháng 5 sẽ lại là kỷ lục mới nữa. Hơn 69.000 tài khoản mới chỉ trong vòng 2 tháng – 99,2% là tài khoản cá nhân trong nước - chưa kể lượng tiền mới có thể được gấp thếp bằng sử dụng margin. Tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh đang tắc và sức ép giải ngân rất cao, trong khi tín dụng cho chứng khoán đến đầu tháng 5/2020 mới khoảng 0,37% tổng dư nợ (hạn mức là 5%).

Trong 17 phiên kể từ đầu tháng 5 tới nay, đã có 2 phiên tổng giá trị giao dịch vượt ngưỡng 8.000 tỷ đồng, 8 phiên tổng giao dịch vượt 6.000 tỷ đồng. Tần suất đạt quy mô thanh khoản như vậy là chưa từng có kể từ quý 1/2018. Tiền nhiều, xu hướng tăng rõ ràng, mua là thắng thì việc thị trường không thể điều chỉnh giảm được là lẽ thường.

Khi đa phần hoạt động giao dịch là đầu cơ, lướt sóng ngắn hạn, mua thấp bán cao nhanh thì việc lắng nghe dòng tiền quan trọng hơn việc phân tích thị trường đang “hợp lý” hay “vô lý”. Hoạt động giao dịch dựa trên xu hướng và các tín hiệu kỹ thuật ngày càng phổ biến cũng khiến đà tăng mạnh hơn và kéo dài hơn. Không phải lúc nào thị trường cũng hợp lý nhưng lại luôn luôn đúng từ góc độ đầu cơ vì đi cùng xu hướng của thị trường sẽ kiếm được tiền.

Cùng chuyên mục
Tin khác