Gọi vốn toàn cầu và kiếm lợi nhuận từ tín chỉ carbon thay vì tốn kém đầu tư
(VNF) - Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, nếu doanh nghiệp hiểu được lợi ích của tín chỉ carbon sẽ tìm được cách huy động nguồn tài chính toàn cầu, biến các khoản đầu tư về chuyển đổi xanh, đầu tư giảm phát thải thành lợi nhuận thay vì chi phí của doanh nghiệp.
Biến chi phí thành lợi nhuận
Đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu từ năm 1992 đến nay, 3 trụ cột phát triển bền vững trên thế giới hiện nay đều hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường và chống suy giảm đa dạng sinh học. Những hiệp định quốc tế như Nghị định thư Kyoto (1997) và Hiệp định Paris (2015) đã yêu cầu các quốc gia, bao gồm cả những nước phát triển và đang phát triển, phải tham gia vào nỗ lực này.
Trong đó, các nước phát triển đã hoàn thành thực hiện đô thị hoá, công nghiệp hoá cần phải giảm phát thải. Các nước đang phát triển, đi sau, đang trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá cần được các nước phát triển hỗ trợ để giảm phát thải khí nhà kính.
Trong quá trình thực hiện, kể từ khi thực hiện Nghị định thư Kyoto cho đến trước khi Hiệp định Paris ra đời, các nước phát thải nhiều nhất là Mỹ, Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc là nước đang phát triển, được nhận hỗ trợ để tiếp tục thực hiện công nghiệp hoá, đô thị hoá và giảm phát thải thì Mỹ là nước đã công nghiệp hoá, đô thị hoá, phải thực hiện giảm phát thải và bồi hoàn, hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện giảm phát thải.
Hiệp định Paris ra đời vào năm 2015 đã yêu cầu tất cả các nước, kể cả phát triển và đang phát triển thực hiện nội dung về giảm phát thải khí nhà kính theo quy định chung, tuy nhiên, các nước đang phát triển sẽ chỉ cam kết giảm phát thải nhiều hơn, nếu có sự hỗ trợ quốc tế.
Ở Việt Nam là nước tự quyết định đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu (NDC), trong cam kết đầu tiên của mình, Chính phủ Việt Nam cam kết việc thực hiện cam kết tới năm 2030 giảm 9% phát thải khí nhà kính khi không có hỗ trợ quốc tế, và 27% nếu có hỗ trợ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sau COP26, Việt Nam cam kết, trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, đến năm 2030 sẽ tự nguyện giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và giảm 43,5% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; đồng thời cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, áp lực này cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng khắt khe với các quy định về khí nhà kính.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, yêu cầu 2.166 doanh nghiệp lớn phải thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính. Quy định này là một phần trong lộ trình thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26 vào năm 2021.
Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Tài nguyên Môi trường, mặc dù đã có thời gian chuẩn bị từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp vẫn đang bối rối trong việc triển khai công tác kiểm kê phát thải, cho thấy một sự chuẩn bị chưa đủ kỹ lưỡng cho nhiệm vụ quan trọng này.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ cũng nhấn mạnh rằng việc kiểm kê phát thải không chỉ là một nghĩa vụ, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi chi phí tuân thủ thành lợi nhuận thông qua thị trường carbon. Châu Âu đã đi tiên phong trong việc phát triển thị trường carbon từ năm 2005, khu vực này hiện nay đã bước vào giai đoạn phát triển thứ tư, với các quy định ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này tạo ra một thị trường tín chỉ carbon, nơi các doanh nghiệp có thể mua bán tín chỉ để bù đắp phát thải của mình.
“Tín chỉ carbon được tạo ra để tận dụng nguồn tài chính khí hậu, tài chính xanh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn. Nếu doanh nghiệp hiểu được lợi ích này sẽ tìm được cách huy động nguồn tài chính toàn cầu, biến các khoản đầu tư về chuyển đổi xanh, đầu tư giảm phát thải thành lợi nhuận thay vì chi phí của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Thọ cho biết.
Ông lấy một ví dụ, ở Mỹ, hãng xe điện Tesla đã kiếm được 1,7 tỷ USD mỗi năm từ việc bán tín chỉ carbon, biến các nỗ lực giảm phát thải thành lợi nhuận thực sự. Đây là một mô hình mà các doanh nghiệp Việt Nam, như VinFast, có thể học hỏi và áp dụng trong quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của mình. Ở trường hợp ngược lại, hãng xe Chrysler mỗi năm phải bỏ ra khoảng 2 tỷ USD cho các công ty xe điện để bù đắp cho việc sản xuất xe xăng.
Khó khăn thích ứng
Bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi phải tuân thủ các quy định mới từ các thị trường quốc tế. Từ tháng 10/2023, các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc năm lĩnh vực chính như xi măng, sắt thép, nhôm, hóa chất đã phải thực hiện báo cáo phát thải để tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, hàng hóa Việt Nam có thể mất khả năng cạnh tranh hoặc phải gánh chịu chi phí mua tín chỉ carbon rất cao từ thị trường châu Âu, với mức giá dao động từ 80 đến 100 EURO cho mỗi tín chỉ.
Không chỉ dừng lại ở đó, từ năm 2025, tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang châu Âu sẽ phải chứng minh rằng không có nguồn gốc từ phá rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Đây là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong ngành dệt may, khi việc nhập khẩu bông từ các khu vực như Tân Cương cần phải chứng minh không liên quan đến hoạt động phá rừng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường châu Âu, mà còn có thể lan rộng ra các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia, khi các quy định về phát thải và bảo vệ môi trường ngày càng được thắt chặt.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ cũng đề cập đến vai trò của báo cáo ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong việc giúp doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù báo cáo ESG chủ yếu được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, nhưng từ năm 2025, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bắt đầu tuân thủ bắt buộc các quy định về phát thải khí nhà kính theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Các quốc gia ở châu Âu đã đi trước trong việc áp dụng các quy định này từ năm 2005, và họ đang yêu cầu các nước khác trên thế giới, bao gồm Việt Nam, tuân thủ các tiêu chuẩn của họ nhằm chống rò rỉ carbon – tình trạng các doanh nghiệp châu Âu chuyển hoạt động sản xuất sang các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn để tránh các quy định khắt khe tại quê nhà.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro mất thị trường, chịu các chi phí cao khi phải mua tín chỉ carbon, và thậm chí là nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc nâng cao nhận thức, đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, và tích cực tham gia vào thị trường carbon sẽ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong tương lai.
Thị trường tín chỉ carbon: Để mặc doanh nghiệp tự 'bơi'
- Tín chỉ Carbon: Thị trường trăm triệu USD thiếu nhân lực 17/08/2024 07:45
- Một tín chỉ carbon lúa ở Việt Nam có giá 20 USD 16/08/2024 06:08
- Tài chính carbon: Vẫn còn 'vướng trên, kẹt dưới' 08/08/2024 07:00
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.