Thị trường tín chỉ carbon: Để mặc doanh nghiệp tự 'bơi'
(VNF) - Theo các chuyên gia, TP. HCM có tiềm năng và lợi thế lớn cho việc phát triển thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn lại chưa có nhiều động lực tham gia thị trường, nguyên nhân đến từ việc thiếu khung pháp lý, thiếu quy định cụ thể.
Nhu cầu lớn
Là một trong các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, TP. HCM được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM được ban hành vào tháng 6/2023. Tín chỉ carbon được đánh giá là công cụ tài chính quan trọng, với mục đích khuyến khích giảm thiểu khí thải carbon và khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như tạo động lực kinh tế để thúc đẩy chuyển đổi sang hoạt động thân thiện với môi trường.
Một trong những yếu tố then chốt giúp TP. HCM có tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon là cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. TP. HCM đã và đang triển khai nhiều chương trình và chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí, bao gồm cả việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm thiểu lượng khí thải CO2 mà còn tạo ra một lượng lớn tín chỉ carbon có thể được giao dịch trên thị trường.
Hai dự án đầu tiên của thành phố để thực hiện giao dịch tín chỉ carbon là sử dụng đèn LED chiếu sáng và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở. Cùng với đó, địa phương này cũng đang thúc đẩy việc xây dựng Cần Giờ xanh, tăng cường trồng rừng, cải thiện môi trường đô thị, năng lượng tái tạo, mô hình làng xanh, kinh tế biển xanh.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Phạm Đăng An, Giám đốc VP Carbon, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, nhận định TP. HCM có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Đầu tiên là sự thúc đẩy từ Nghị quyết 98/2023/QH15, chính sách giúp một địa phương năng động và phát triển hàng đầu như TP. HCM giải quyết các vấn đề liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Địa phương này hiện là nơi phát thải hơn 60 triệu tấn CO2/năm, chiếm khoảng 18-23% cả nước, trong đó 93,6% là từ lĩnh vực năng lượng cố định và giao thông.
“Theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, TP. HCM có 138/1912 - chiếm khoảng 7%, trên tổng số doanh nghiệp cần kiểm kê khí nhà kính toàn quốc. Điều này thể hiện việc nhu cầu tham gia thị trường carbon của các doanh nghiệp tại TP. HCM là không hề nhỏ”, ông Phạm Đăng An cho biết.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH), cho biết TP. HCM hiện đang là trung tâm tài chính của cả nước, có sở giao dịch chứng khoán lớn, cơ sở hạ tầng đi đầu cả nước, cũng như số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn rất lớn. Đây sẽ là những lợi thế để xây dựng thị trường tín chỉ carbon.
Doanh nghiệp thiếu động lực
Hiện nay, tín chỉ carbon đang được giao dịch trên thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon bắt buộc tại TP. HCM chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, chỉ chưa tới 1%. Giới chuyên gia cho rằng thành phố cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực hơn ở thị trường carbon tự nguyện. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết chưa sẵn sàng tham gia, cũng như khó tiếp cận thị trường này.
“Việc tham gia thị trường tự nguyện cần nên dựa trên tiềm lực và khả năng giảm thiểu khí nhà kính của doanh nghiệp, dựa trên các giải pháp giảm phát thải trên phạm vi phát thải 1 và 2. Sau khi đã đảm bảo các phạm vi trên đã thực hiện đầy đủ mới hướng đến việc thực hiện giảm phát thải trên phạm vi 3, tức dựa trên các định chế tài chính như trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện”, ông Phạm Đăng An cho biết.
Theo ông, các chính sách, quy định phát triển dự án và cấp tín chỉ carbon đa phần đang dựa trên quy định của các tổ chức quốc tế, nhận thức về thị trường carbon vẫn chưa được đồng bộ. Các cơ quan ban ngành và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đang rất tích cực để nghiên cứu phát triển thị trường tín chỉ carbon tại TP. HCM, tuy nhiên vẫn đang gặp một số thách thức do cần hoàn thiện các khung pháp lý. Lãnh đạo Vũ Phong Energy cho rằng, việc thiếu khung pháp lý cụ thể dành cho TP. HCM đang làm giảm động lực của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng thị trường tín chỉ carbon.
Để tạo tiền đề cho các hỗ trợ về mặt chính sách dành cho các doanh nghiệp khi tham gia thị trường tự nguyện, ông Phạm Đăng An cho rằng TP. HCM cần tăng cường hợp tác cùng các nguồn lực quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cân nhắc việc hợp tác với các sàn giao dịch trên thị trường tự nguyện uy tín trên toàn cầu như Carbon Trade Exchange (CTX) trong việc phát triển các hệ thống giám sát và quản lý tín chỉ carbon hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và được sự công nhận từ quốc tế.
Mặt khác, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp thiếu động lực tham gia thị trường tín chỉ carbon là thiếu các quy định về lượng phát thải ở doanh nghiệp. “Hiện tại doanh nghiệp đang được xả thải thoải mái, do đó sẽ không có lý do để tham gia thị trường tín chỉ carbon. Phải xây dựng được quy định về lượng phát thải của mỗi doanh nghiệp, tạo ra sàn giao dịch, khi đó mới có cung - cầu trên thị trường. Tuy nhiên, đây là điều TP. HCM chưa làm được, mà phải có sự vào cuộc của các bộ trong việc xây dựng quy định, xây dựng thị trường tín chỉ carbon”, ông Huân cho biết.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy quy mô thị trường sản phẩm của TP. HCM có giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD. Theo ông Phạm Đăng An, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP. HCM có thể đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng các chính sách cụ thể, tạo ra những cơ chế thuận lợi và hệ thống quản lý minh bạch cho thị trường tín chỉ carbon để các địa phương khác có thể dễ dàng tiếp nhận và triển khai theo, từ đó mở rộng quy mô thị trường tín chỉ carbon trên khắp cả nước.
Ông Phạm Đăng An cho rằng TP. HCM cần tăng cường hợp tác cùng các nguồn lực quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cân nhắc việc hợp tác với các sàn giao dịch trên thị trường tự nguyện uy tín trên toàn cầu như Carbon Trade Exchange (CTX) trong việc phát triển các hệ thống giám sát và quản lý tín chỉ carbon.
Tài chính carbon: Vẫn còn 'vướng trên, kẹt dưới'
- TP.HCM khởi động thị trường tín chỉ carbon gần 800 triệu USD 15/07/2024 06:30
- 'Nội soi' tàu điện ngầm bằng sợi carbon đầu tiên trên thế giới của Trung Quốc 30/06/2024 10:30
- Cơ hội 790 triệu USD giá trị tín chỉ carbon của TP.HCM 12/05/2024 08:00
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.