Tiêu điểm

Hà Nội tuần qua: Tăng trưởng GRDP quý III ước giảm 7,02%, chưa muốn tiếp nhận chuyến bay nội địa

(VNF) - UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những nội dung đáng chú ý trong tuần qua.

Hà Nội tuần qua: Tăng trưởng GRDP quý III ước giảm 7,02%, chưa muốn tiếp nhận chuyến bay nội địa

Hà Nội đề nghị dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay Nội Bài.

Đề nghị dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay Nội Bài

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc kiểm soát hoạt động các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến địa bàn thành phố.

Theo đó, để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho người dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô, UBND thành phố đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến thành phố.

Hà Nội cho biết chỉ trừ trường hợp phục vụ công tác công vụ, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, vận chuyển hàng hóa hoặc tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về khi có sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. (Xem thêm)

Hà Nội cho phép hoạt động thể thao ngoài trời nhưng không quá 10 người

Từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép thực hiện các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người. Cùng với đó là mở cửa các cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm và trung tâm thương mại (trong đó, các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về).

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, đồng thời bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng chống dịch.

Cũng theo văn bản này, Hà Nội giao Sở Y tế phối hợp với các đơn vị tiếp tục thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, đuểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát lây lan dịch bệnh.

Sở Y tế có trách nhiệm tiếp tục rà soát các trường hợp chưa được tiêm vaccine mũi 1 để hoàn thành việc tiêm vét mũi 1, đồng thời hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho các trường hợp đến thời hạn tiêm. (Xem thêm)

Hà Nội cho phép thực hiện các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người.

Vụ nâng khống giá cây xanh ở Hà Nội: Bộ Công an bắt thêm 4 bị can

Ngày 27/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can, gồm: Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội; Bùi Phương Thảo, Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Bùi Văn Mận, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Sinh thái xanh; Hoàng Thị Kim Loan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Sinh thái xanh.

Các bị can bị khởi tố cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Trước đó, vào tháng 8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng TP. Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; khởi tố vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam 6 đối tượng, gồm: Nguyễn Xuân Hanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Đỗ Quang Tiến, Giám đốc Xí nghiệp cây xanh cây hoa cây cảnh thuộc Công TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội;

Đỗ Khắc Tú Anh, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Nguyễn Thị Ngọc Lâm, nguyên thẩm định viên Công ty Cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam;

Nguyễn Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xanh Hòa Lạc và Công ty TNHH Phát triển vì nhân dân; Kiều Thị Thúy, Kế toán Công ty TNHH Xanh Hòa Lạc và Công ty TNHH Phát triển vì nhân dân.

Các đối tượng này bị khởi tố, khám xét, bắt cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). (Xem thêm)

4 nhà đầu tư đề xuất làm đường Vành đai 4 Hà Nội, riêng T&T đề xuất làm 2 đoạn

Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP. Hà Nội báo cáo tổng thể tuyến đường Vành đai 4. Theo đó, tuyến đường Vành đai 4 được chia làm 7 đoạn và có tổng chiều dài là 98km.

Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 54km; trên địa bàn tỉnh Hưng Yên dài 23km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài 21km. Điểm đầu của dự án là đoạn nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối đoạn giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến có một đoạn đi trùng với QL18 và cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Cũng theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, qua rà soát tính toán sơ bộ để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4, phương án 1 sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng; còn theo phương án 2 cần nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng.

Dựa trên thiết kế dự án do Bộ Giao thông Vận tải lập và các điều chỉnh về sau, hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Cụ thể, Công ty Cổ phần tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.

Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng. (Xem thêm)

4 nhà đầu tư đề xuất làm đường Vành đai 4 Hà Nội

Tăng trưởng GRDP quý III ước giảm 7,02% so với cùng kỳ

Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng trong năm 2021 của thành phố Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 ước tính giảm 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2021, GRDP của thành phố vẫn tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020 do 6 tháng đầu năm tăng 5,85%.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, tăng trưởng GRDP 9 tháng năm nay đạt mức thấp so với kế hoạch, so với cùng kỳ năm 2020 và so với cả nước (tăng 1,42%), chủ yếu do quý III giảm mạnh vì ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp, xây dựng.

Bên cạnh một số chỉ tiêu giảm cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng là 176.737 tỷ đồng, đạt 75,0% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng là 46.338 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán năm và bằng 95,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 1.292 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng 8 và tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2020, đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong 3 quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 1,88%; khu vực dịch vụ ước tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước. (Xem thêm)

Tin mới lên