Hà Tĩnh: Những dự án nghìn tỷ 'trơ gan cùng tuế nguyệt'

Nguyễn Phượng - 31/10/2018 17:19 (GMT+7)

Được kỳ vọng là những dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao, thế nhưng các dự án được bàn giao mặt bằng xây dựng cả chục năm, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đang bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả, nằm “đắp chiếu phơi sương”.

Dự án nghìn tỷ chết yểu

Dự án đầu tư nhà máy liên hợp gang thép công suất 50.000 tấn/năm do công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ ngày 16/6/2007 tại “khu đất vàng” rộng gần 25 ha tại một khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Dự án có tổng mức đầu tư 2.115 tỷ đồng (sau điều chỉnh). Đây là một trong những dự án nghìn tỷ đầu tiên tại Hà Tĩnh, vì thế nhà máy này được tỉnh hết sức kỳ vọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư.


Dự án đầu tư nhà máy liên hợp gang thép công suất 50.000 tấn/năm do Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư phơi sương nhiều năm nay.

Giai đoạn I của dự án dự kiến khi hoàn thành sẽ có công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn thép/năm, giai đoạn 2 nâng lên 500.000 tấn/năm. Theo chứng nhận đầu tư, tháng 8/2010, nhà máy sản xuất thử ra phôi thép thương phẩm.

Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, thời gian đầu, Công ty đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm triển khai dự án, tiến độ xây lắp công trình ở mức khá nhanh. Tuy nhiên từ tháng 5/2009 thì thi công cầm chừng. Từ cuối năm 2010 dự án dừng hẳn việc thi công xây dựng. Tính đến 7/2014, tiến độ dự án chậm gần 4 năm so với tiến độ tại giấy chứng nhận đầu tư được cấp.


Số nợ hơn 700 tỷ đồng mà các ngân hàng đầu tư giờ chỉ còn đống sắt vụn là vật thế chấp.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh, trước khi dừng thi công, giá trị khối lượng thực hiện đã đạt trên 1.200 tỷ đồng, bằng khoảng 60% giá trị khối lượng công việc của dự án; vốn giải ngân trên 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 298,5 tỷ đồng và vốn vay các ngân hàng hơn 707 tỷ đồng (vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 80%) để mua sắm máy móc, thiết bị nhưng dự án xây dựng dở dang nằm đắp chiếu phơi sương, bỏ hoang cho đến nay.

Nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả

Nằm không xa đống hoang tàn của nhà máy liên hợp gang thép công suất 50.000 tấn/năm, dự án xây dựng Cơ sở đào tạo nghề Vũng Áng (thuộc Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng có chung số phận tương tự.

Ông Nguyễn Đình Đại – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, dự án do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt vào cuối năm 2010, trên diện tích hơn 16 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 519 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa.

Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, mỗi năm trường đào tạo khoảng 5.000 học viên các ngành điện, cơ khí, lái xe, nấu ăn… đáp ứng nhu cầu lao động cho Khu kinh tế Vũng Áng.

Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, nhìn bề ngoài, cơ sở đào tạo này như một công trình với hàng ngàn người đang hoạt động và làm việc tại đây. Tuy nhiên, thật khó hình dung được khi vừa rời khỏi Quốc lộ 1A để rẽ vào trường, trước một tòa nhà hoành tráng mà số lượng học sinh theo học ở đây rất ít ỏi, chưa tương xứng với mục tiêu ban đầu của dự án đề ra.

Theo tìm hiểu của PV, bình quân mỗi năm, cơ sở đào tạo nghề Vũng Áng chỉ thu hút được hơn 100 học sinh theo học các lớp trung cấp nghề và một ít học viên tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn.

Bên cạnh nhu cầu học nghề của các lao động trên địa bàn còn thấp, các học viên sau đào tạo nghề tại đây khi ra trường ít có cơ hội làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng đã tác động rất lớn đến hoạt động của nhà trường. Do đó, dãy nhà học 4 tầng, ba dãy nhà xưởng và nhiều thiết bị dạy học ở cơ sở đào tạo nghề Vũng Áng hiện nay không phát huy được công năng.

Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một phần do không phát huy được hiệu quả, ngày 28/9/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, cắt giảm mức đầu tư xuống còn 189,7 tỷ đồng. Kéo theo đó, nhiều công trình, hạng mục đầu tư dở dang gây hư hỏng, lãng phí.

Tương tự, nhà máy chế biến súc sản Hà Tĩnh do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức xây dựng hơn 100 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư chưa đến 30%, số còn lại là vốn hỗ trợ của địa phương và tín dụng ngân hàng.

Ngày 13/6/2014, Nhà máy chính thức bàn giao và đi vào sản xuất. Với công suất giết mổ 100 con/giờ, chế biến 15.000 tấn/năm, xử lý nước thải 400m3/ngày đêm, dự án được kỳ vọng là điểm nhấn của chuỗi liên kết gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, tạo đầu kéo cho lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh, nhằm giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi, phát triển chăn nuôi lợn bền vững trên địa bàn. Thế nhưng, sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay dự án cũng đang loay hoay tìm lối thoát.

Một cán bộ nhà máy (xin giấu tên) cho biết: Hiện nay nhà máy đang hoạt động cầm chừng, có khi phải bù lỗ cho việc duy trì sản xuất. Theo tính toán, bình quân mỗi ngày nhà máy giết mổ được vài chục con lợn thịt, với giá công giết mổ dao động từ 70 đến 120.000 đồng/con, tiền công thu về may lắm chỉ đủ trả tiền điện.

Được biết, mặc dù đơn vị đang tìm mọi cách để kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, tuy nhiên mọi kế hoạch vẫn đang nằm trên giấy tờ, đồng nghĩa với đó, tình trạng trì trệ sản xuất như hiện nay không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Dư luận băn khoăn, với đặc thù của một doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này?

Cũng phải nói thêm rằng ngoài những dự án trên, hiện nay ở Hà Tĩnh vẫn còn không ít các công trình, dự án như: Bến neo đậu tàu, thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương (Thị xã Kỳ Anh) có vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng chưa bàn giao đã hư hỏng; dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng chưa hoàn thành đã đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước chưa nhiều… gây ra sự thất thoát, lãng phí không cần thiết.

Tại thời điểm này, thay vì nói về tương lai “như chiếc bánh vẽ” của những dự án, nhiều người cho rằng những dự án này đang góp phần làm “nghèo thêm” một tỉnh vốn đã nghèo. Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh.

Theo NĐT
Cùng chuyên mục
Tin khác