Hai mặt xấu xí và hào nhoáng của Ấn Độ: Quả bom hẹn giờ ẩn sau phép màu kinh tế

Khánh Tú - 12/09/2023 06:32 (GMT+7)

(VNF) - Chính quyền Ấn Độ đang cố phớt lờ đi những sự thật kinh tế “xấu xí” để tập trung ăn mừng những con số, thành tích hào nhoáng khi đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là nhận định của giáo sư kinh tế Ashoka Mody, từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Chính quyền Ấn Độ đang cố phớt lờ đi những sự thật kinh tế “xấu xí” để tập trung ăn mừng những con số, thành tích hào nhoáng khi đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là nhận định của giáo sư kinh tế Ashoka Mody, từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Đằng sau các bảng quảng cáo sặc sỡ ở Delhi liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh G20 là những khu ổ chuột sập xệ, nơi người dân Ấn Độ phải đối mặt với sự nghèo đói mỗi ngày. Các quầy hàng ven đường đã bị phá dỡ chỉ ít ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra do lo ngại chúng sẽ làm hoen ố hình ảnh “một Ấn Độ đang trỗi dậy”.

Đằng sau sự tăng trưởng kinh tế Ấn Độ là những góc khuất xấu xí.

Số liệu GDP của Ấn Độ được “trưng bày” như một phần của hoạt động “xây dựng thương hiệu và làm đẹp hình ảnh đất nước”. Với mức tăng trưởng hàng năm là 7,8% trong quý II/2023, Ấn Độ dường như đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, đằng sau tất cả những thứ hào nhoáng đó lại là một cuộc đấu tranh âm ỉ mỗi ngày của người dân nghèo Ấn Độ. Theo giáo sư kinh tế Ashoka Mody, quốc gia Nam Á này vẫn đang phải đối mặt với những thách thức mang tên tăng trưởng thấp, khan hiếm việc làm và bất bình đẳng.

GDP được hiểu là sự chênh lệch giữa thu nhập trong nước (thu được từ việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ) và chi tiêu (số tiền phải trả khi mua những hàng hóa và dịch vụ đó). Về nguyên tắc, chi tiêu phải bằng thu nhập kiếm được nhưng trên thực tế, các ước tính về thu nhập và chi tiêu ở một số quốc gia có thể không đúng vì chúng dựa trên dữ liệu không hoàn hảo.

Chính phủ Ấn Độ được cho là đang che đậy thực tế chi tiêu kém.

Thông thường, sự khác biệt này không quan trọng khi tính toán tốc độ tăng trưởng bởi vì chi tiêu và thu nhập ngay cả khi khác nhau một chút thì vẫn có xu hướng tương tự nhau. Nhưng đôi khi, sự chênh lệch này lại có tác động to lớn trong việc đánh giá hiệu quả một nền kinh tế và Ấn Độ là một trường hợp điển hình.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ, thu nhập từ sản xuất tại đây tăng với tốc độ trung bình 7,8% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, chi tiêu chỉ tăng 1,4% trong cùng thời gian này. “Rõ ràng Văn phòng Thống kê Quốc gia đang che đậy thực tế chi tiêu kém của quốc gia này”, giáo sư kinh tế Ashoka Mody nhận định.

Bên cạnh đó, ẩn sau sự tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ là “quả bom hẹn giờ” mang tên thất nghiệp. Ấn Độ từng được xem là sở hữu “phép màu kinh tế” – dân số đông nhất thế giới và số người trong độ tuổi lao động sẽ đạt 1 tỷ người trong thập kỷ tới, Tuy nhiên, đằng sau đó lại là một mặt trái khiến các nhà chức trách “đau đầu”, đó là quá ít việc làm.

Theo thống kê của Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), tính đến tháng 12/2022, có tới 45,8% dân số trong độ tuổi dưới 25 tại Ấn Độ bị thất nghiệp. Ông Kaushik Basu, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell và cựu cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ, từng nhận xét tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Ấn Độ “cao một cách đáng kinh ngạc”. “Nếu dân số càng ngày càng tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng thì đó sẽ là vấn đề lớn đối với Ấn Độ”, ông nói.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ luôn ở mức cao.

Ông Madhusudan, Giám đốc nội dung và chiến lược tại Study IQ, một trung tâm chuyên luyện thi tuyển công chức ở Ấn Độ, cho biết: “Khi dân số tăng lên, sự cạnh tranh cũng tăng lên, vì vậy cơ hội của mọi người giảm đi”. Tại Ấn Độ, mỗi năm có hơn 1 triệu người nộp đơn để cạnh tranh trở thành công chức nhưng chỉ có 1% trong số đó được tuyển dụng.

Theo một số chuyên gia, nền kinh tế Ấn Độ đã thất bại trong việc tạo ra việc làm, đặc biệt là những việc làm có mức thu nhập xứng đáng. Ngoài hành chính công, mức tăng trưởng thu nhập nhanh nhất ở Ấn Độ trong quý II vừa qua là lĩnh vực bất động sản và tài chính, những lĩnh vực chỉ tạo ra số ít việc làm cho các nhân lực có trình độ cao.

Song song với đó, Ấn Độ còn phải đối mặt với sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp. Ông Anjali Bhardwaj là một nhà hoạt động nhân quyền có liên quan đến chiến dịch Quyền có lương thực, nói: “Ngày nay, chúng ta có hai Ấn Độ. Một Ấn Độ dành cho những người giàu đang ngày càng giàu hơn và một Ấn Độ khác dành cho hàng triệu gia đình đang phải vật lộn để có đủ hai bữa ăn mỗi ngày.”

Chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu sắc ở Ấn Độ.

Vào năm 2022, Ấn Độ là một trong những quốc gia đói nhất thế giới khi có gần 800 triệu người phụ thuộc vào chương trình an ninh lương thực của chính phủ, theo VICE World News.

Thế nhưng, Ấn Độ cũng là nơi sinh sống của hàng trăm tỷ phú siêu giàu như Mukesk Ambani hay Gautam. Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, ước tính Ấn Độ có thêm 70 triệu phú mỗi ngày và top 10% người giàu Ấn Độ nắm giữ 77% tài sản ở quốc gia này, theo Oxfam.

Để hình dung về khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ, Oxfam đưa ra phép so sánh: Một công nhân ở vùng nông thôn Ấn Độ phải mất 941 năm mới kiếm được số tiền bằng với số tiền lương 1 năm của một giám đốc điều hành ở công ty may mặc hàng đầu Ấn Độ. Thế nhưng, một người sống chật vật kiếm sống mỗi ngày và một triệu phú đều phải trả mức thuế như nhau khi họ mua một gói bơ.

Trước những thực trạng đáng buồn trên, các nhà chức trách nên xem xét lại con đường phát triển của Ấn Độ và tìm cách khắc phục những tồn đọng, thay vì chọn cách bác bỏ sự thật để phô trương hình ảnh tại Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Ashoka Mody nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.