Hạn mức tín dụng: Quy tắc cứng, bao giờ mới gỡ bỏ?

Minh Dũng - 23/06/2023 07:35 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ ngay hạn mức tín dụng (room tín dụng) nhưng nhiều người vẫn đánh giá cao công cụ này. Cũng có quan điểm cho rằng, bỏ hạn mức tín dụng tuy cần thiết nhưng chưa phải lúc.

VNF

Đến lúc gỡ bỏ hạn mức tín dụng?

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì từ năm 2011 đến nay. Thực tế đã chứng minh đây là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý kiểm soát chất lượng cho vay của các ngân hàng cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền,... góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều chuyên gia đề xuất nên bỏ hạn mức tín dụng tức thì, trao quyền chủ động cho ngân hàng trong các quyết định cho vay và chấp nhận rủi ro. Một số đại biểu Quốc hội nhận định, hạn mức tín dụng giống như cơ chế hành chính bao cấp, hàng năm các ngân hàng phải “đi xin cho” mới được nới hạn mức.

Để tự do hóa thị trường tài chính, phù hợp với thông lệ quốc tế, Việt Nam nên sớm gỡ bỏ công cụ hạn mức tín dụng như một biện pháp hành chính nhằm kiểm soát hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, có thể quản lý năng lực tài chính của ngân hàng thông qua hệ số CAR, thay vì khống chế trần tín dụng. Một số ngân hàng kiến nghị, chỉ cần áp dụng chuẩn Basel II, hệ thống sẽ an toàn mà không cần NHNN áp đặt hạn mức tín dụng cho từng nhà băng như hiện nay.

Nhưng nhiều người vẫn đánh giá cao công cụ trần tín dụng, bởi nếu dỡ bỏ thì rất có thể các ngân hàng sẽ quay trở lại việc phát triển theo chiều rộng, đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao nhưng tiềm ẩn rủi ro cao.

Cũng có quan điểm cho rằng, bỏ hạn mức tín dụng là cần thiết song chưa phải lúc. Việt Nam vẫn có lý do để duy trì công cụ này.

Theo ông John Andre, chuyên gia nghiên cứu, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Nhưng tỷ lệ tín dụng trên GDP vẫn đang ở mức cao và có xu hướng tăng. Vì thế, nếu cho phép tín dụng tăng trưởng quá nhanh có thể gia tăng nguy cơ lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho hay, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng ngay cả khi không có hạn mức tín dụng thì cũng có giới hạn. Bởi lẽ, hoạt động tín dụng, quy mô tín dụng của các tổ chức tín dụng chịu sự điều chỉnh bởi các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, hệ số sử dụng vốn, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay đối với khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan…

Do đó, việc sử dụng kết hợp công cụ lãi suất và hạn mức tín dụng được cho là sẽ đảm bảo tính hợp lý giữa nguồn vốn và vốn cho vay, đảm bảo lãi suất và tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về thực hiện mục tiêu kép nói trên.

Nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng chỉ là một trong số các kênh vốn, không thể đáp ứng hết tất cả các nhu cầu vốn của nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần phát triển các kênh khác như chứng khoán, trái phiếu, đầu tư công, thu hút vốn nước ngoài…

Theo GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, không chỉ Việt Nam, hiện nhiều nước trong khu vực như Brunei, Ấn Độ và Trung Quốc đang áp dụng công cụ hạn mức tín dụng. Khác với các ngành nghề khác, ngành ngân hàng có rủi ro đổ vỡ dây chuyền rất cao. Ngân hàng tốt vẫn có thể gặp rủi ro thanh khoản từ thông tin tiêu cực của một ngân hàng yếu kém khác trong hệ thống. Việc áp đặt các quy tắc bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống - cẩn trọng vĩ mô - là điều tất cả các nước trên thế giới đang thực hiện.

Song, theo GS.TS. Trần Ngọc Thơ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để kiểm soát tín dụng, chỉ sử dụng một số ít công cụ như cấp hạn mức tín dụng không hiệu quả bằng sử dụng đồng bộ các công cụ.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, quốc gia nào cũng phải có room tín dụng, chỉ khác nhau ở chỗ là tính room và chặn room như thế nào. Luật sư Đức cho rằng, phải giới hạn tín dụng, còn nếu bỏ room tín dụng hiện nay thì cũng phải thay bằng một biện pháp khác tương tự.


Dỡ bỏ hạn mức tín dụng cần có lộ trình

Trong báo cáo gửi Quốc hội tháng 5 vừa qua, Thống đốc NHNN cho biết, hiện áp lực lạm phát gia tăng gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Do đó, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

NHNN cho biết, việc dỡ bỏ công cụ hạn mức tín dụng cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Trong quá trình điều hành, NHNN đã và đang thực hiện kết hợp triển khai đồng bộ việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) với việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động của các TCTD.

Việc xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng năm có ý nghĩa quan trọng.

NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt hơn. Ngược lại, nếu lạm phát có rủi ro tăng, nhà điều hành sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Đến hết tháng 5, tín dụng mới đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tức tăng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trước tìn trạng tín dụng tăng chậm, NHNN đã đưa ra nhiều chinh sách để kích cầu tín dụng.

Theo giới phân tích, kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn, cầu tín dụng yếu, trong khi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng khó khăn trong tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, nhiều ngân hàng vẫn lạc quan về tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm.

Trong báo cáo phân tích phát hành gần đây, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức tương đối thắt chặt trong năm 2023 nhưng sẽ thông qua công cụ lãi suất thay vì hạn chế room tín dụng như năm 2022. Theo đó, NHNN sẽ không thắt chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023 và tình trạng "hết room" tín dụng như trong năm 2022 sẽ ít có khả năng xảy ra.

Cùng chuyên mục
Tin khác