'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Bất động sản tắc, tín dụng khó khăn
Theo thông tin từ NHNN, tính đến hết tháng 5, tín dụng đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tức tăng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý II do NHNN thực hiện cho thấy, dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Theo lý giải của đại diện NHNN, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do cầu tín dụng giảm khi ba động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu suy yếu, giải ngân đầu tư công chậm. Ngoài ra, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.
Những năm gần đây, tín dụng cho bất động sản luôn cao hơn trung bình. Năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng vào kênh này khả năng chậm lại. Việc mở rộng cho vay cũng không dễ trong bối cảnh các tài sản có pháp lý của nhóm bất động sản hầu hết đã được sử dụng cho các khoản vay cũ.
Còn lãnh đạo Agribank cho rằng, nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ của nền kinh tế, không phải vướng mắc từ cơ chế chính sách. Trong khi đó, đại diện ngân hàng OCB nhận định nhu cầu tín dụng yếu do cả doanh nghiệp bất động sản cũng như các ngành sản xuất cơ bản, bán lẻ đều chứng kiến xu hướng sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận.
Theo nhiều chuyên gia, nhu cầu vay đang rất thấp do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không còn nhu cầu vay, số khác bị đứt gãy dòng tiền, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, nên rõ ràng không thể tiếp cận được dòng tín dụng của các ngân hàng. Còn những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đáp ứng điều kiện vay vốn lại e ngại suy thoái kinh tế, tiêu dùng sụt giảm nên cũng không mặn mà vay ngân hàng để mở rộng hoạt động.
Dồn dập chính sách kích tín dụng
Mới đây, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023. Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Đặc biệt, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp, tác động rất lớn đến việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng, từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Một số tổ chức dự báo NHNN còn dư địa để giảm lãi suất thêm nữa để hỗ trợ nền kinh tế.
Trongkhi đó, các ngân hàng thương mại đã liên tục thực hiện giảm lãi suất huy động. Lãi suất tiết kiệm từ mức đỉnh 10-11%/năm nay đã hạ về dưới 8%/năm. Các ngân hàng cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay, tung nhiều gói tín dụng ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên với quy mô từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn tỷ đồng kích cầu tín dụng.
Theo giới chuyên gia, khi “giá” rẻ hơn, các doanh nghiệp sẽ tìm đến nguồn vốn từ nhà băng nhiều hơn. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá, một phần nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng thấp do mặt bằng lãi suất của các nhà băng dù đã giảm nhưng vẫn cao so với giai đoạn trước.
Nhiều ngân hàng thương mại kỳ vọng lãi suất hạ nhiệt sẽ kích thích nhu cầu vốn tăng trở lại. Các ngân hàng đang miệt mài “đốt đuốc” đi tìm doanh nghiệp tốt để cho vay.
Về tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm ngân hàng, đối với các ngân hàng thương mại gốc nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm mới được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao.
Còn nhóm ngân hàng thương mại tư nhân chiếm khoảng 44% thị phần thì đang được khoảng một nửa so với mức được giao. Có thể thấy, cả hai nhóm này vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng cho thời gian còn lại của năm nay.
Chính phủ đang hoàn thiện chính sách giảm thuế VAT 2% và mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng từ 1/7... là những giải pháp kích cầu được kỳ vọng có tác động lên tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu dần phục hồi… Đây được coi là những nỗ lực nhằm tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong những tháng tới.
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.