'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Con số tăng trưởng tín dụng năm tại các nhà bank
Báo cáo tài chính quý I năm 2023 được các ngân hàng công bố cho thấy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại có sự phân hóa rõ nét. Tính tới cuối quý I/2023, có ngân hàng đã gần hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nhưng có ngân hàng lại tăng trưởng tín dụng âm.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có dư nợ tăng trưởng tín dụng cao nhất. Đến cuối tháng 3 vừa qua, tín dụng ngân hàng này tăng tới 13,17%. Tổng Giám đốc MSB cho hay, chỉ trong quý đầu tiên của năm, ngân hàng này đã sử dụng hết “room” tín dụng của cả năm. Từ nay tới cuối năm, MSB sẽ phải thực hiện tái cơ cấu các khoản vay, tăng nguồn thu từ phí, đồng thời, tiếp tục xin Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng room tín dụng.
Ngoài MSB, một số ngân hàng cũng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao gấp 3-4 lần mức tăng trưởng bình quân của toàn hệ thống. Có thể kể đến Techcombank tăng trưởng tín dụng 9,3%; tín dụng của TPBank tăng 7,3%; VPBank tăng trưởng tín dụng 7%; tín dụng của SHB tăng 6%…
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại có mức tín dụng tăng trưởng âm. Đơn cử, VietBank giảm 3,3%, ABBank giảm 3,1%, VIB giảm 1,2%, Eximbank giảm 0,33%, ACB giảm 0,6%...
Hiện nay, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao khiến kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn, cầu tín dụng yếu gây khó khăn trong tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp trong quý I/2023, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương đối thận trọng cho cả năm so với kết quả đạt được năm 2022.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) lên kế hoạch cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế tăng 15% so với năm trước; dư nợ tín dụng tăng 15% lên 583.000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay khách hàng tại MB đạt 26,4%.
Techcombank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước; dư nợ tín dụng đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép. Năm 2022, Techcombank đạt 21% dư nợ cho vay.
Vietcombank cho biết sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 từ 12-14%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10-11%/năm. Năm 2022, dư nợ tín dụng tại Vietcombank đạt 19%.
Ngân hàng ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 đạt 9,7% và sẽ điều chỉnh tương ứng khi NHNN cấp bổ sung. Năm 2022, dư nợ cho vay tại ACB đạt gần 15%.
Trong khi đó, một số nhà băng như VPBank, VIB và HDBank đặt mức tăng trưởng tín dụng tương đối cao so với mặt bằng chung.
VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 33%. Năm 2022, VPBank đạt mức tín dụng tăng trưởng gần 31% tại ngân hàng mẹ.
Tương tự, VIB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 25%. Trước đó, trong năm 2022, dư nợ cho vay tại nhà băng này đạt gần 15%.
HDBank cũng đặt mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2023 tương đối cao so với mặt bằng chung là 24%. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng của HDBank đạt gần 15%.
Tín dụng tăng chậm, ngân hàng lo lỗ
Theo số liệu từ NHNN, đến 20/4, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trên chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước (6,46%). Con số trên cũng thấp hơn thời điểm trước dịch khi tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2019 đạt 3,64%.
Theo NHNN, mức tăng tín dụng từ đầu năm đến nay còn khiêm tốn so với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% (có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế). Một số ngân hàng mới chỉ tăng trưởng tín dụng hơn 1%. Thậm chí, có nhà băng tăng trưởng tín dụng âm.
Tín dụng tăng thấp ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng còn do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn dẫn tới tín dụng bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4, lãnh đạo nhiều ngân hàng lớn cũng giải thích về mức tăng chậm của tín dụng trong 4 tháng đầu năm, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân từ khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn dẫn đến khả năng hấp thụ vốn giảm. Các khách hàng doanh nghiệp khó khăn nên cũng thận trọng trong quyết định đầu tư kinh doanh.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, các ngân hàng đang rất sốt ruột vì huy động vốn lãi cao nhưng không cho vay được mà vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Nếu tình trạng này kéo dài thì các ngân hàng sẽ "lỗ nặng".
Đó cũng là nguyên nhân vì sao trong thời gian qua, các nhà băng phải liên tục giảm lãi suất huy động và sẽ còn giảm tiếp vì các ngân hàng đang chịu sức ép phải giảm thêm lãi suất cho vay để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ triển khai một số cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng. Đơn cử gói chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai mạnh mẽ.
Chỉ trong vòng hơn hai tuần, NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành. Theo đánh giá của NHNN, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý II do NHNN thực hiện cho thấy, dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng cho vay trong năm 2023 sẽ chậm lại, khoảng 12%, do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Còn Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có thể cải thiện hơn trong quý II/2023 nếu các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả. Song tác dụng của dòng vốn tín dụng sẽ có “độ trễ” nhất định. Nếu dòng vốn tín dụng được khơi thông mạnh mẽ, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có triển vọng khởi sắc từ quý III năm nay.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tuy tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm nhưng NHNN vẫn tính toán tín dụng trong năm nay tăng khoảng 14-15%.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.