Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc rút kế hoạch IPO sau án phạt 'khủng' của Alibaba

Hạnh Chi - 12/04/2021 19:26 (GMT+7)

(VNF) - Ngày càng nhiều startup công nghệ của Trung Quốc đã quyết định hủy bỏ kế hoạch niêm yết trên các sàn giao dịch trong nước khi các cơ quan quản lý thắt chặt kiểm tra các đơn IPO.

VNF
Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc rút kế hoạch IPO trên "sàn Nasdaq Trung Quốc" STAR Market sau án phạt "khủng" của Alibaba và Ant Group.

Theo Reuters, sau khi tập đoàn Ant Group của Alibab IPO thất bại hồi cuối năm ngoái, đã có hơn 100 công ty tự nguyện rút đơn đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán ChiNext và STAR Market ở Thượng Hải.

Các ngân hàng cũng cho biết việc rút tiền ồ ạt từ các công ty khởi nghiệp diễn ra nhanh chưa từng có trong bối cảnh cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra triển vọng niêm yết của các công ty.

Sự việc đã đặt ra câu hỏi về chất lượng của các đợt IPO tại Trung Quốc trước đây cũng như mức độ nghiêm túc của công tác thẩm định do các nhà bảo lãnh của họ thực hiện. 

Được biết, quá trình IPO tại các sàn giao dịch của Trung Quốc đã bổ sung một vài quy định như thêm nhiều đợt kiểm tra tại chỗ, phỏng vấn trực tiếp các nhà tài trợ. Ngoài ra, các giám đốc điều hành cấp cao của một công ty khởi nghiệp phải tiết lộ tài khoản ngân hàng cá nhân của họ và giải trình các giao dịch lớn. Do đó, thời gian chờ đợi IPO đã tăng từ 6 tháng lên 12 tháng.

Vào thời điểm Bắc Kinh cũng đang xem xét thành lập một thị trường mới để thu hút các công ty niêm yết ở nước ngoài, xu hướng này tiếp tục diễn ra đã đe doạ tham vọng của Trung Quốc trong việc cạnh tranh với các sàn niêm yết toàn cầu như Hồng Kông và New York. 

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng sức ép của Bắc Kinh không nhằm mục đích làm suy yếu các tập đoàn công nghệ mà chỉ buộc họ phải tuân thủ các khuôn khổ, quy định của chính phủ, thay vì hoạt động tự do như trước đây.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, thị trường STAR của Trung Quốc đã trở thành địa điểm niêm yết phổ biến thứ tư trên thế giới vào năm 2020, với các đợt IPO huy động được 20 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ trong quý đầu năm 2021, sàn giao dịch này đã tụt xuống hạng 7.

DaoCloud, một công ty khởi nghiệp về điện toán đám mây có trụ sở tại Thượng Hải, đã lên kế hoạch IPO STAR trong năm nay, nhưng hiện đang xem xét niêm yết tại Hồng Kông do khả năng phê duyệt chậm trễ trên sàn STAR.

Người sáng lập DaoClould, ông Roby Chen cho biết: "Những người nộp đơn đăng ký IPO hiện đang đối mặt với sự không chắc chắn về quy định. Vì vậy, chúng tôi cần một kế hoạch B".

Ngoài ra, các kỳ lân công nghệ, như Yitu Ltd, Unisound AI Technology Co và Shenzhen Royole Technologies Co., cũng tạm hoãn kế hoạch niêm yết. Một chủ ngân hàng đầu tư có một số thương vụ IPO bị kẹt cho biết: "Cuộc cải cách IPO đã kéo theo rất nhiều thách thức, một trong số đó là cung cấp cho thị trường quyền đánh giá các công ty".

Ông Ming Liao, đối tác sáng lập của Prospect Avenue Capital có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc hiện đang đối mặt với con đường gập ghềnh để tiến tới IPO, với một số trong số họ đang phải vật lộn để “chứng minh tiềm năng tăng trưởng bền vững”.

Từ tháng 2/2021 đến nay, các biện pháp thắt chặt kiểm soát của chính phủ đã khiến nhóm cổ phiếu công nghệ lớn sụt giảm mạnh, thổi bay 700 tỷ USD giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Mặc dù vậy, triển vọng phát triển trong dài hạn của các hãng công nghệ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi Trung Quốc vẫn rất cần những tập đoàn công nghệ hùng mạnh trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với Mỹ đang ngày càng quyết liệt.

Xem thêm >> Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng nhân dân tệ kỹ thuật số để lách lệnh trừng phạt

Theo REUTERS
Cùng chuyên mục
Tin khác