Thị trường

Hãng vàng có động thái lạ, đầu cơ vội xuống tiền vì sợ trượt cơ hội lãi đậm

(VNF) - Động thái lạ của các nhà vàng diễn ra trong bối cảnh giá vàng miếng lẫn vàng nhẫn đều đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Hãng vàng có động thái lạ, đầu cơ vội xuống tiền vì sợ trượt cơ hội lãi đậm

Chênh lệch mua vào – bán ra giảm

Trong phiên giao dịch sáng 12/3, giá vàng trong nước vẫn neo ở mức cao. Tại SJC, giá vàng miếng hiện đang được bán ra với mức giá 80,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 82,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Tại DOJI, giá vàng SJC hiện đang được niêm yết ở mức 80,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 82,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng cũng đang được neo ở mức 80,35 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 82,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Đáng chú ý, trong những ngày qua, các nhà vàng đều đồng loạt nâng giá vàng ở chiều mua vào. Trong phiên giao dịch chiều 11/3, SJC thậm chí còn điều chỉnh tăng 700.000 dồng/lượng ở chiều mua vào. Hiện tại, giá vàng chiều mua vào tại các nhà vàng đều đang neo ở ngưỡng 80 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Việc giá vàng chiều bán ra chỉ tăng nhẹ, trong khi chiều mua vào tăng tới vài trăm nghìn đồng/lượng đã kéo chênh lệch giữa chiều mua vào – bán ra xuống còn thấp nhất 1,8 triệu đồng/lượng, mức thấp nhất từ cuối năm 2023 đến nay.

Giá vàng liên tục tăng mạnh trong những ngày qua.

Trước đó, vào tháng 12/2023, từng có thời điểm các nhà vàng kéo giãn mức chênh lệch mua vào – bán ra lên tới 5,5 triệu đồng/lượng, đẩy mức rủi ro về phía người mua. Vào thời điểm đó, người mua ngay lập tức lỗ tới vài triệu đồng ngay sau khi mua vào.

Giá vàng nhẫn hiện cũng đang neo ở mức cao nhất từ trước đến nay. Giá vàng nhẫn hiện đã đồng loạt vượt 70 triệu đồng/lượng, thậm chí, ở một số nhà vàng, giá vàng nhẫn đã lên tới hơn 71 triệu đồng/lượng.

Nhu cầu mua vàng nhẫn của người dân cũng tăng cao. Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, người mua trong nước hiện đang dịch chuyển từ vàng miếng SJC sang vàng nhẫn 9999. Lực mua vàng nhẫn hiện chiếm tới 70% so với vàng miếng SJC.

Việc người dân chuyển sang mua vàng nhẫn bắt đầu tăng từ dịp Tết Nguyên đán, nhất là sau khi Chính phủ liên tục hối thúc Ngân hàng Nhà nước đưa ra các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng, đặc biệt là vàng miếng SJC.

Nên mua vàng lúc này không?

Giá vàng trong nước tăng mỗi ngày khiến nhiều nhà đầu tư muốn “lướt sóng” để kiếm lời. Anh Quốc Chiến (Hà Nội) cho rằng “với đà tăng nóng như hiện nay, không có kênh đầu tư nào sinh lời nhanh như vàng”. Với nhận định này, anh đã quyết định “đu đỉnh”, mua 10 lượng vàng nhẫn khi giá đang ở 69 triệu đồng/lượng.

Tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) đang bao phủ thị trường vàng trong nước những ngày qua. Giá vàng liên tục lập đỉnh mới khiến nhiều người nôn nóng, sợ bỏ lỡ cơ hội chốt lời nếu không mua vàng trong thời điểm này.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua vàng khi giá vàng tăng nóng, đặc biệt không đầu tư vàng SJC trong ngắn hạn. Nói cách khác, nhà đầu tư nên xem vàng là kênh đầu tư mang tính phòng thủ, tức trung – dài hạn thay vì tấn công – ngắn hạn.

Các chuyên gia cho rằng không nên lướt sóng vàng trong thời điểm này.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng hiện giá vàng trong nước lẫn giá vàng thế giới đều đang ở mức đỉnh nên việc mua vào có rủi ro khá lớn. “Nhà đầu tư có thể đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống mới nên mua vào”, ông nói.

Ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, khuyến nghị không tăng mua vàng vào thời điểm hiện tại vì có thể rơi vào trường hợp “đu đỉnh”.

Ông cũng lưu ý rằng trong danh mục đầu tư, vàng không nên chiếm quá 15% tỷ trọng. Theo ông Huấn, chi phí cơ hội trong dài hạn của các lớp tài sản như bất động sản, chứng khoán lớn hơn vàng rất nhiều.

Làm rõ nhận định này, ông Huấn lấy ví dụ: nếu mua vàng vào năm 2012 với giá 43 triệu đồng/lượng thì phải tới 7 năm sau, người mua mới có thể hoàn lại vốn. Điều này đồng nghĩa với việc sau 7 năm, số tiền đầu tư ban đầu không sinh lời thêm được xu nào.

Tương tự, CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn từng lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư không nên “lướt sóng” vàng. Theo ông, nhà đầu tư khả năng cao sẽ lỗ nếu coi vàng vật chất là kênh đầu tư lướt sóng, mua bán ngắn hạn bởi chênh lệch giá mua vào – bán ra lớn.

Tin mới lên