HD Mon và cú "nước rút" của doanh nhân trẻ Nguyễn Anh Tuấn

Anh Minh - 07/06/2016 08:52 (GMT+7)

(VNF) - Chân dung một doanh nhân bất động sản 8X, người đứng sau dự án Mon City đã và đang gây sốt trên thị trường Hà Nội nửa năm qua.

Mỗi ngày, trên những con đường nội bộ của khu đô thị Ciputra đầy cây xanh, doanh nhân trẻ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc HD Mon vẫn dành khoảng một giờ để chạy bộ. Ông vẫn tự test mình bằng những cú nước rút.

Chạy là một thú vui, một thói quen rèn luyện, nhưng cũng là lúc để ông Tuấn, người đang là thuyền trưởng của HD Mon, thả hồn mình cho những ý tưởng bất chợt, để làm nên những cú "nước rút" khác trên thị trường bất động sản.

Di sản

CEO Nguyễn Anh Tuấn chính thức tiếp quản dự án Mon City, siêu dự án bất động sản rộng tới 6,7ha tại Mỹ Đình từ tháng 11/2015. Vào thời điểm tiếp quản, mặc dù dự án đã có sự chuẩn bị từ lâu, bài bản và chuyên nghiệp, thử thách thực sự vẫn là rất lớn, như chính sự thừa nhận của ông Tuấn.

Thử thách chính là việc mặc dù không thiếu kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh và bất động sản, nhưng cách làm bất động sản ở Việt Nam khác hoàn toàn so với những gì ông đã được đào tạo và trải qua ở nước ngoài. Không có cách nào khác, ông Tuấn bước thẳng ra công trường, vừa làm vừa học, rèn luyện và va chạm, để rồi sau nửa năm sự tự tin đã tìm về.

Những năm 90, công ty xây dựng Hải Đăng, tiền thân của HD Mon hiện nay, từng là một tên tuổi lớn trong làng xây dựng. Sinh trưởng trong một gia đình mà những khái niệm "dự án" hay "hợp đồng" có trong câu chuyện mỗi ngày, ông Tuấn vừa hun đúc khát vọng, vừa cảm nhận được áp lực lớn lao từ cái bóng của người bố. Để rồi, khi tinh thần kinh doanh ấy được bồi đắp, hoàn thiện bằng những kiến thức bài bản từ nước ngoài, Tuấn biết rằng cơ hội để tiếp nối một di sản kinh doanh đã tới.

"Các cụ nhà tôi vẫn dạy tôi rằng những người mạnh mẽ, dám phản biện, dám bảo vệ quan điểm của mình... thường sẽ phát triển được. Cá nhân tôi cũng nghĩ vậy và luôn mong muốn sự sáng tạo, luôn tìm tòi để mang lại cái mới, cái tốt cho xã hội", ông tự tin.

Đó là sự tự tin có cơ sở. Hơn mười năm trước, khi Mỹ Đình vẫn chỉ mới trong giai đoạn khởi đầu của sự phát triển, Hải Đăng đã tiếp cận lô đất 6,7ha giờ đang là đại công trường Mon City. Không nhiều thông tin về việc tiếp cận lô đất này được công bố và cho đến nay, đó vẫn là một bí mật thú vị của thị trường bất động sản Hà Nội, cũng như nhiều dự án khác.

Ông Tuấn thừa nhận, đúng là không dễ gì để có được một địa điểm đẹp như vậy để phát triển dự án. Đầy khéo léo, CEO trẻ tuổi nói rằng "điều này cho thấy tiềm lực và uy tín của chủ đầu tư; đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn về một khu vực sẽ là đô thị sầm uất trong tương lai".

Sau khi Từ Liêm được "tách đôi" và Mỹ Đình chính thức "lên quận", cộng với những tín hiệu tích cực từ vĩ mô trong hơn một năm qua, khu vực này bỗng trở nên nhộn nhịp hẳn. Hàng loạt dự án bất động sản mọc lên, và đều là những tổ hợp hoành tráng. Cạnh tranh tăng nhiệt mỗi ngày, và điều đó có khiến một người trẻ tuổi bối rối? Đầy tự tin, ông Tuấn cho rằng cạnh tranh chính là "một dấu hiệu tốt cho thị trường và khách hàng, bởi khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn".

"Bản thân tôi thích có sự cạnh tranh để đem lại mang sự minh bạch, tiện ích, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Tôi không xem các dự án khác là đối thủ của mình mà xem họ là bạn. Ngay ở đây, khi các dự án có thêm nhiều tiện ích thì bản chất họ đang tôn cho cả khu này lên, hình thành 1 cộng đồng rộng lớn hơn và điều đó sẽ mang lại lợi ích chung", ông nói.

Không bán những căn nhà mà bán những không gian sống

Thị trường bất động sản Việt Nam đã qua thời "nhà nhà đầu tư, người người xin suất". Cú tự điều chỉnh của thị trường sau giai đoạn "chộn rộn" những năm 2009-2011 đưa đến cho giới đầu tư quá nhiều bài học, và những câu chuyện thị trường dội thẳng vào nhiệt huyết của CEO trẻ tuổi một đúc kết: tóm lại, để bán được nhà, không có cách nào khác là phải làm hài lòng người mua.

Từ năm 2015, chính sách của nhà nước về bất động sản đã được siết chặt hơn nhiều, đặc  biệt là các quy định về điều kiện được phép bán BĐS. Những quy định hiện nay như phải xây xong móng, có bảo lãnh tài chính của ngân hàng cho khách hàng, có giấy phép của Sở xây dựng về việc được phép bán… theo ông Tuấn, đã ngăn cản những chủ đầu tư không có tiềm lực, gián tiếp làm lành mạnh hóa, chuyên nghiệp hóa thị trường.

Điều này có nghĩa là, nếu chủ đầu tư làm ăn nghiêm túc, thực sự biết chăm chút cho sản phẩm của mình thì vẫn có thể an tâm làm ăn, và khách hàng vẫn sẽ tìm đến. Dù rằng, tỷ suất lợi nhuận đang giảm đi vì chi phí tăng lên.

Tránh được những bước xe đổ và đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ nhiều chủ đầu tư khác, HD Mon thận trọng hoàn tất các điều kiện cần thiế như thủ tục pháp lý, cách tiếp cận thị trường và cách bán hàng.

"Chúng tôi chuẩn bị kỹ càng cho Mon City để đảm bảo rằng khi dự án ra đời, mọi việc sẽ vận hành êm ả, thuận lợi và hiệu quả. Trong thời gian vừa rồi, kết quả bán hàng là minh chứng rõ nhất cho thấy khách hàng rất tin tưởng vào chúng tôi như là một trong những nhà đầu tư tiềm lực và uy tín trên thị trường", ông hài lòng.

Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tên tuổi ở Hà Nội nhận định, một trong những điều gây chú ý nhất của dự án Mon City chính là mô hình tổ hợp, theo đó các khách hàng tương lai có thể yên tâm rằng các nhu cầu của cuộc sống đều có thể được đáp ứng. Không chỉ trong nội bộ khu đô thị, các "hạ tầng mềm" khác trong khu vực cũng đã hoàn thiện về cơ bản, cho phép "yên tâm" về cuộc sống tương lai.

Đặc biệt, quan điểm nhà đầu tư cùng khách hàng chung tay tạo dựng nên những cộng đồng dân cư có tính kết nối cao là điều khiến khách hàng cảm thấy thú vị. Theo ông Tuấn, văn hóa người Việt Nam từ trước đến nay là "văn hóa hàng xóm", hướng tới sự gắn kết. "Tôi muốn tạo ra một cộng đồng cư dân cho khách hàng để họ được sự kết nối kết nối. Ở Mon City, chúng tôi muốn tạo ra 2 khu công viên ở 2 đầu, quảng trường, khu đi bộ, khu cho trẻ em, người già...  với mục tiêu là để cư dân có chỗ được chỗ nghỉ ngơi và cảm thấy thoải mái nhất", ông hồ hởi nói về viễn cảnh dự án.

Xa hơn, đó cũng là cách thức mà HD Mon sẽ áp dụng cho các dự án tương lai của mình. Ít nhất 2 dự án khác tại các vị trí đắc địa ở nội thành đã được chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi khác. "HD Mon không đặt lợi nhuận lên đầu tiên và quan trọng nhất. Chúng tôi chủ trương đặt yếu tố uy tín lên hàng đầu, vì suy cho cùng uy tín suy cũng là tiền, rất nhiều tiền và đó là định hướng phát triển bền vững", ông lý giải.

Nhưng trước mắt, mọi tâm huyết đang được ông Tuấn và đồng sự dồn hết cho Mon City bởi đây là dự án trọng điểm. "Chúng tôi đặt tất cả tâm huyết, sức lực, trí tuệ để làm cho dự án thành công tại đây. Đây là tiền đề để phát triển các dự án về sau. Hiện nay, chúng tôi chưa muốn nghĩ quá xa về các dự án khác, vì muốn đặt toàn bộ tâm trí vào dự án này,. Nếu dự án làm không tốt, nó sẽ ảnh hưởng đến các dự án về sau", ông nói.

Thành bại nằm ở năng lực quản trị

Dự án Mon City đang ở giai đoạn triển khai rầm rộ nhất. Theo ghi nhận tại hiện trường, khu vực nhà liền kề đang hoàn thiện phần thô, trong khi phần chung cư cũng đã xây thô đến tầng 5. Mỗi ngày, CEO trẻ tuổi đối mặt hàng chục tờ trình, cần ký hàng trăm chữ, họp hành, gặp gỡ từ khác hàng, đối tác…

Ông Tuấn thừa nhận, đúng là đứng giữa biển công việc, không có cách nào khác là phải vận dụng kiến thức về quản trị để quản trị cả công việc lẫn… chính mình.

"Chúng tôi áp dụng triệt để việc phân cấp cho các bộ phận chức năng. Trước khi văn bản được trình lên Tổng giám đốc đã phải qua các phòng ban và được bộ phận pháp chế kiểm tra lại. Mỗi buổi sáng, chúng tôi thường có các cuộc họp giao ban ngắn gọn với các trưởng phòng để kiểm tra các công việc đã làm và sẽ triển khai trong ngày; đồng thời tăng thêm sự gắn kết giữa các bộ phận để phối hợp tốt hơn", ông cho hay.

Ông Tuấn có một gia đình nhỏ ở khu đô thị Nam Thăng Long, nơi ông mô tả là "niềm động lực sống và làm việc mỗi ngày". Ngoài thời gian làm việc, ông thường xuyên dành thời gian cho gia đình, duy trì một lối sống lành mạnh. Vậy thời gian rảnh nhất ông dành cho điều gì?

"À, tôi sẽ chạy bộ, và thi thoảng sẽ chạy nước rút!"

"Tôi vẫn chạy bộ 1 giờ mỗi ngày. Chạy không chỉ giúp tôi rèn luyện mà khi chạy, mình nghĩ ra rất nhiều ý tưởng hay nữa. Không có sức khỏe thì chúng ta không thể làm gì khác. Cá nhân tôi rất đề cao việc giữ gìn sức khỏe và luôn khuyến khích mọi người về điều này. Tôi cũng thích golf tuy nhiên thời gian không cho phép, hơn nữa tôi cũng muốn dành nhiều thời gian cho gia đình nhỏ của mình. Với mình, gia đình cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, là điểm tựa vững chắc". - CEO Nguyễn Anh Tuấn.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.