Hé mở về vị thế và tài sản nghìn tỷ của đại gia sở hữu cặp du thuyền 6 sao lớn nhất Việt Nam

Hà Thạch - 30/10/2023 07:58 (GMT+7)

(VNF) - Đến thời điểm hiện tại, Essence Grand 1 và Essence Grand 2 là cặp du thuyền song sinh được cho là lớn nhất, sang trọng nhất Việt Nam, thuộc sở hữu của doanh nghiệp do ông Trịnh Trung Úy lãnh đạo.

Được biết, ông Trịnh Trung Úy xuất thân là một doanh nhân trong lĩnh vực vận tải thuỷ, chuyên cung cấp dịch vụ vận tải hàng rời, đặc biệt là than cho các nhà máy nhiệt điện trên cả nước.

Là đại gia kín tiếng, ông Trịnh Trung Uý rất hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Mọi thông tin về ông rất ít ỏi, chỉ biết ông là Chủ tịch Tập đoàn Việt Thuận.

"Đại gia" Trịnh Trung Úy 

Không dừng lại ở lĩnh vực vận tải thuỷ, năm 2019, ông Trịnh Trung Úy thành lập Công ty TNHH Du lịch và khách sạn Việt Thuận. Đây là bước khởi đầu đánh dấu việc vị đại gia Quảng Ninh này chính thức lấn sân sang lĩnh vực du lịch. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên phải đến năm 2022, Việt Thuận mới công bố dự án đóng cặp du thuyền đẳng cấp tổng trị giá 35 triệu USD (tương đương trên 700 tỷ đồng). Hiện, đại gia Úy có tham vọng đóng tiếp siêu du thuyền thứ 3 vào năm 2024, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng, được giới thiệu đủ khả năng đi khắp thế giới sau khi hoàn thành vào năm 2026.

Thiết kế cặp du thuyền "sinh đôi" Essence Grand 1 và Essence Grand 2.

Tập đoàn Việt Thuận tiền thân là Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, thành lập vào năm 2005, trụ sở chính tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh. Việt Thuận hiện có 6 công ty thành viên cùng gần 100 đầu phương tiện vận tải thuỷ, tổng trọng tải xấp xỉ 1 triệu tấn. Năm 2022, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Cận cảnh du thuyền của đại gia Trịnh Trung Úy

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Thuận là đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam đầu tư đóng mới tàu biển chuyên dụng phục vụ vận chuyển than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trên toàn quốc. Những đối tác lớn nhất của doanh nghiệp này trong việc vận tải hàng hoá là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng vận tải Việt Thuận đạt gần 13 triệu tấn, doanh thu trên 3.500 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động vận tải đạt trên 2.500 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động chế biến kinh doanh than đạt gần 1 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 35 tỷ đồng. Việt Thuận đặt kế hoạch 6 tháng cuối năm đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng từ đội tàu sở hữu, lợi nhuận trước thuế trên 90 tỷ đồng. 

Thiết kế bên trong của siêu du thuyền

Ngoài ra, ông Trịnh Trung Uý còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Vận tải thuỷ - Vinacomin (mã chứng khoán WTC) từ năm 2019 đến nay sau khi Việt Thuận trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát (nắm giữ 69,5%). Tại WTC, ông Trịnh Trung Uý không trực tiếp sở hữu cổ phần mà gián tiếp sở hữu thông qua Việt Thuận (69,5% vốn điều lệ WTC). Trong khi đó, bà Trịnh Thị Nga, chị gái ông Uý, đang sở hữu 194.646 cổ phiếu, tương đương 1,95% vốn điều lệ công ty. Năm 2023, WTC do ông Trịnh Trung Uý làm Chủ tịch đặt kế hoạch doanh thu 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. 

Vẫn "nung nấu" tham vọng lấn sân sang lĩnh vực du lịch - dịch vụ lưu trú, đại gia Trịnh Trung Úy đã mua lại khu đất vàng số 21 Láng Hạ - Hà Nội (khách sạn Oasis) từ tay đại gia Nguyễn Hữu Đường (Đường bia). Tuy nhiên, dự án khách sạn mới do Việt Thuận làm chủ đầu tư vẫn chưa được triển khai.

Với việc bỏ ra số vốn hàng nghìn tỷ đồng cho cuộc chơi du thuyền đắt đỏ và tham vọng lớn, ông Trịnh Trung Uý được dự đoán là một đại gia đáng gờm trong ngành du lịch cao cấp của Việt Nam thời gian tới.

Cặp du thuyền “song sinh” Essence Grand 1 và Essence Grand 2 được thiết kế chiều cao 5 tầng, sở hữu các đặc tính của du thuyền hạng sang như hồ bơi trên boong, các phòng nghỉ có ban công hướng ra biển, không gian mở cho các hoạt động giải trí, spa, quầy bar ngoài trời, phòng tập gym, phòng hát, phòng hút xì gà và thưởng thức rượu vang, phòng y tế, salon tóc, thư viện, phòng ăn VIP,...

Mỗi chiếc du thuyền có 55 phòng nghỉ cao cấp cùng những tiện ích hiện đại nhất, lần đầu tiên được áp dụng cho du thuyền ở Việt Nam, như phòng tổng thống, hai sân đỗ trực thăng.

Vật liệu chọn đóng là loại cao cấp, vật liệu làm nội thất có khả năng diệt virus. Thép đóng tàu và sơn tàu biển cao cấp được nhập khẩu từ Nhật Bản, đạt kiểm định tiêu chuẩn hàng hải quốc tế, hệ thống xử lý nước thải trung tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.