Hiệp định TPP-11: Đã thống nhất vấn đề cốt lõi, đổi tên thành CPTPP

Vĩnh Chi - 11/11/2017 12:08 (GMT+7)

(VNF) – Tuyên bố chung của các Bộ trưởng TPP-11 khẳng định các nước đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định. Các Bộ trưởng cũng đã đồng ý với tên gọi mới của TPP-11 là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

VNF
Bộ Công Thương vừa phát đi thông báo cho biết các Bộ trưởng TPP-11 đã thống nhất được các vấn đề cốt lõi của Hiệp định. (ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh)

Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP là một Hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Dựa trên Tuyên bố này, các Bộ trưởng giao các Trưởng đoàn đàm phán tiếp tục xử lý một số vấn đề kỹ thuật hiện chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành việc rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết.

Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực.

Trước đó, các Bộ trưởng TPP-11 đã có phiên họp không chính thức vào tối 10/11 để thảo luận lại các vấn đề sau khi Thủ tướng Canada - Justin Trudeau, bất ngờ không tới dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP chiều 10/11.

Đến nửa đêm 10/11, cuộc họp kết thúc với kết quả là các Bộ trưởng TPP đã đạt được thỏa thuận cốt lõi cho Hiệp định.

Trong cuộc trao đổi với báo giới ngay lúc nửa đêm, Bộ trưởng Thương mại Philippe-François Champagne của Canada nói "phần cốt lõi" sẽ đảm bảo các nước tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lao động và môi trường.

Cũng tại cuộc họp, việc Thủ tướng Justin Trudeau không tới dự họp được ông Champagne giải thích là do cuộc họp song phương với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã kéo dài 25 phút hơn so với dự kiến.

"Đơn giản là cuộc gặp (với ông Abe) đã kéo dài hơn dự kiến. APEC có 21 nhà lãnh đạo nên mọi thứ đều không rõ ràng", ông nói.

Theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.

Việc "đóng băng" hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai - trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai.

TPP-11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đã tuyên bố rút lui.

Cùng chuyên mục
Tin khác