Hình ảnh loạt công trình cầu đường được TP.HCM thông xe trong 2024
(VNF) - Theo Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP. HCM (Ban Giao thông), dự kiến khánh thành, thông xe hơn chục dự án hạ tầng trọng điểm cuối năm 2024
- Năm 2025, TP.HCM xây 3 cầu lớn nối trung tâm tới Thủ Thiêm, Cần Giờ 11/08/2024 08:15
Trung tuần tháng 8/2024, TP.HCM đã thông xe hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện kết nối với Nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là dự án trọng điểm cấp quốc gia được UBND thành phố khởi công cùng với Dự án Xây dựng Nhà ga T3 vào ngày 24/12/2022. Dự án có tổng chiều dài 4 km, mặt cắt ngang 6 làn xe và tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng.
Đại diện Ban giao thông cho hay, hiện nay Sở GTVT thành phố đang tập trung toàn lực để triển khai thi công, dự kiến khánh thành, thông xe hơn chục dự án giao thông vào cuối năm 2024. Cụ thể:
Dự án xây dựng cầu Bà Hom được khởi công từ năm 2018, có tổng vốn đầu tư hơn 370 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó do vướng mặt bằng nên đã ngưng thi công. Đến cuối tháng 10/2023, cầu Bà Hom đã được quận Bình Tân bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai thi công.
Cầu Bà Hom có tổng chiều dài đường và cầu 425m, trong đó cầu dài 93m, rộng 18m, thiết kế 4 làn xe bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Công trình nhằm thay thế cầu cũ xây dựng từ trước năm 1975 đã xuống cấp nghiêm trọng.
Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý dài 80m, rộng 16m (4 làn ô tô) được khởi công vào đầu năm 2018, vốn đầu tư 312 tỷ đồng theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018. Tuy nhiên khi thực hiện được 70% khối lượng thi công thì công trình phải tạm ngừng vì chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không làm dự án BOT trên đường hiện hữu).
Cuối tháng 9/2022, TP.HCM đã ban hành quyết định dừng, chấm dứt triển khai dự án này theo hình thức BOT để chuyển sang đầu tư công và đến cuối năm 2022, HĐND TP đã thông qua việc sử dụng hơn 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ Tân Quý. Theo đó, TP.HCM sẽ chi khoảng 230 tỷ đồng để trả chi phí cho nhà đầu tư đã bỏ ra làm cầu và khoảng 261 tỷ đồng đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại.
Dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm (từ quận Bình Thạnh đến công viên văn hóa Gò Vấp) được khởi công đầu tháng 8/2023, có vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng với thiết kế 6 làn xe, rộng 32m. Đây là một trong những trục giao thông xương sống quan trọng của quận Gò Vấp, giảm tải giao thông đô thị khu vực cùng với các tuyến đường như Phan Văn Trị, Lê Đức Thọ, Quang Trung…
Đại diện Ban Giao thông cho hay, khó khăn lớn nhất của dự án là giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay đã có khoảng 400/425 hộ dân đã bàn giao, chủ đầu tư và các nhà thầu tích cực triển khai thi công cuốn chiếu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Dự án xây dựng cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu dài 231 m, gồm 2 nhánh, mỗi nhánh rộng 11m cho 2 làn xe và lề đi bộ. Hai đầu cầu là đường dẫn tổng chiều dài 559m, cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước. Mức đầu tư hơn 740 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ cuối năm 2017, đến tháng 9/2019 phải tạm ngưng do vướng mặt bằng.
Tháng 10/2023, TP.Thủ Đức tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành một nhánh cầu cuối tháng 10/2024 và hoàn thành nhánh còn lại cuối năm 2025, giúp kết nối giữa các phường Tăng Nhơn Phú A, Long Trường, Trường Thạnh trên đường Lã Xuân Oai, thuận lợi cho tàu thuyền qua rạch Trau Trảu bên dưới.
Nút giao An Phú được khởi công xây dựng từ cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025, là dự án hạ tầng trọng điểm đóng vai trò gỡ ‘nút thắt’ tại cửa ngõ phía Đông của TP.HCM. Dự án được đầu tư đến 3.400 tỷ đồng, được xem là nút giao thông quy mô và phức tạp nhất của địa phương. Theo đó, dự án được thiết kế với quy mô 3 tầng, gồm hầm chui, cầu vượt trên cao nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các trục đường lớn.
Theo Ban Giao thông, đến nay nút giao An Phú đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, sẽ hoàn thành xây dựng các hạng mục: cầu Bà Dạt vào tháng 8, Cầu Giồng Ông Tố 2 vào tháng 9 và thông xe hầm chui HC1 vào cuối năm 2024.
Được khởi công từ tháng 4/2020, dự án xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là nút giao thông huyết mạch tại cửa ngõ phía Nam TP.HCM, đến nay đã đạt hơn 65% khối lượng công việc.
Theo thiết kế, giai đoạn 1 dự án sẽ xây đảo tròn trung tâm đường kính 60m và hai hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh, tổng vốn khoảng 830 tỷ đồng. Dự kiến sẽ thông hầm HC2 vào tháng 9, sau đó thông hầm HC1 cùng toàn bộ các hạng mục giai đoạn này vào cuối năm 2024.
Ở giai đoạn 2, dự án sẽ được hoàn chỉnh nút giao có hai cầu vượt, hai hầm chui với kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu Phước Long và cầu Rạch Đỉa được xem là hai "cánh tay" nối quận 7 và huyện Nhà Bè.
Đối với cầu Phước Long, dự án được khởi công từ tháng 2/2020 với tổng vốn đầu tư gần 398 tỷ đồng, tuy nhiên do vướng mặt bằng, dự án sau đó phải tạm dừng khi mới thi công xong một số trụ cầu. Cuối tháng 7/2023, dự án được thi công trở lại với mức đầu tư 748 tỷ đồng.
Cầu Phước Long có vị trí quan trọng trên tuyến đường Phạm Hữu Lầu, tăng cường kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè cũng như hai đường trục chính là Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ. Khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trong khu vực.
Còn dự án cầu Rạch Đỉa dài 318m, rộng 9-10,5m, bắc ngang Rạch Đỉa, với tổng mức đầu tư 513 tỉ đồng, được khởi công xây dựng hồi tháng 7/2023 để thay thế cầu sắt cũ không đảm bảo tải trọng khai thác.
Đây là một trong bốn cầu sắt trên tuyến đường Lê Văn Lương (cùng với cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm, cầu Rạch Dơi), sau khi hoàn thành sẽ tăng năng lực lưu thông góp phần kết nối với tỉnh Long An, khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông phía nam thành phố.
Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 đang thi công 4 gói thầu xây lắp đoạn song hành Quốc lộ 50, từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu vực cầu Ông Thìn (Km 4+200, giáp ranh tỉnh Long An).
Với tổng chiều dài khoảng 6,92 km gồm đoạn song song với Quốc lộ 50 dài khoảng 4,3 km và đoạn 2,56 km đường Quốc lộ 50 hiện hữu, dự án có 6 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án này sẽ chính thức hoàn thành trong năm 2025 giúp tăng năng lực khai thác toàn tuyến, giúp kết nối TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. Đồng thời, dự án cũng tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam TP với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Vành đai 3 trong thời gian tới.
Ngoài các dự án nêu trên, Ban Giao thông còn cho biết các dự án trọng điểm khác sẽ hoàn thành trong năm 2024 như: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2); đường Tên Lửa (đoạn từ Đường số 29 đến Tỉnh lộ 10); cầu Nam Lý; thông xe một đơn nguyên cầu Ông Bồn; mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân).
Doanh nghiệp Mỹ muốn mở rộng đầu tư tại TP. HCM, mong hạ tầng giao thông sớm cải thiện
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.