HNX, HoSE hưởng lợi thế nào từ 'siêu sóng' đầu tư chứng khoán?

Thanh Long - 21/05/2021 10:03 (GMT+7)

(VNF) - Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020. Đây là năm rất đặc biệt khi chứng kiến "siêu sóng" đầu tư chứng khoán đến mức gây nghẽn hệ thống giao dịch trên sàn HoSE.

VNF
HNX, HoSE hưởng lợi thế nào từ 'siêu sóng' đầu tư chứng khoán?

Theo báo cáo, năm 2020, doanh thu thuần của HNX tăng 32% so với năm 2019, lên 732 tỷ đồng. HoSE có vẻ hưởng lợi nhiều hơn từ "siêu sóng" khi doanh thu thuần tăng tới 39% bất chấp vướng phải vấn đề nghẽn lệnh, lên mức 993 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là doanh thu dịch vụ giao dịch chứng khoán, chiếm khoảng 87-88% doanh thu thuần ở cả 2 sàn.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của HNX tăng 37%, trong khi HoSE tăng 44%. Biên lợi nhuận gộp của HoSE cao hơn đáng kể HNX, 93% so với 87%.

Sau khi cân đối doanh thu tài chính cũng như các loại chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HNX đạt mức tăng trưởng 44%, xấp xỉ mức tăng 46% của HoSE. Lý do chính là trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của HNX chỉ tăng 11%, thấp hơn nhiều mức tăng lên đến 30% của HoSE.

HoSE hưởng lợi hơn HNX từ "siêu sóng" đầu tư chứng khoán dù vướng phải vấn đề nghẽn lệnh

Tuy vậy, kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế của HNX chỉ tăng 28% lên 499 tỷ đồng, trong khi HoSE tăng tới 46% lên 691 tỷ đồng. Nguyên nhân là năm 2019, HNX ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên đến gần 42 tỷ đồng từ việc quỹ phát triển khoa học công nghệ chuyển sang phục vụ mục đích kinh doanh, nhưng đến năm 2020 không còn ghi nhận khoản thu nhập khác nào đáng kể.

Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của HNX đạt 1.356 tỷ đồng, được hình thành từ 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 356 tỷ đồng nợ phải trả. Cùng thời điểm, tổng tài sản của HoSE ở mức 3.279 tỷ đồng, được hình thành từ 1.800 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 1.479 tỷ đồng nợ phải trả.

Cùng chuyên mục
Tin khác