Tiêu điểm

Hồ sơ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vượt tiêu chuẩn xét duyệt giáo sư?

(VNF) - Hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nằm trong số hồ sơ GS, Phó giáo sư mà Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tạm để lại xem xét sau khi tiến hành rà soát theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Hồ sơ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vượt tiêu chuẩn xét duyệt giáo sư?

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Hồ sơ của Bộ trưởng Tiến vượt tiêu chuẩn Giáo sư

Trong số 1.226 hồ sơ đủ điều kiện được công nhận chức danh GS, PGS năm nay, 129 hồ sơ thuộc diện phải xem xét lại theo chỉ đạo rà soát của Thủ tướng. Riêng ngành Y tế có 29 hồ sơ (9 giáo sư và 20 phó giáo sư). Hồ sơ  Giáo sư của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách 29 hồ sơ này, theo Báo NLĐ.

Trong cuộc họp chiều 28/2, Hội đồng chức danh giáo sư ngành Y tế cho rằng: "Kết quả rà soát chức danh GS cho theo quy định 174 của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, thậm chí vượt tiêu chuẩn đề ra".

Trả lời báo chí, GS. TSKH Phùng Đắc Cam, Hội đồng chức danh giáo sư ngành Y tế cho biết, một Hội đồng xét duyệt với 3 cấp, theo đó một hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư có đến 6 người soi thì không thể có tình trạng lọt, chưa kể bên cạnh hội đồng luôn có thanh tra ngồi từ đầu đến cuối.

"Tôi khẳng định, trong danh sách 9 giáo sư, 20 phó giáo sư của ngành y tế đều đủ tiêu chuẩn. Hồ sơ của Bộ trưởng Tiến cũng vậy, vượt tiêu chuẩn xét duyệt giáo sư", GS Cam nói.

GS Cam khẳng định thêm: "Hội đồng xét duyệt làm việc độc lập, ngay cả những người dù đương chức quyền vẫn không thể thay đổi được kết quả.

Tôi có thể ví dụ, nguyên một Bộ trưởng Bộ Y tế hai lần làm hồ sơ giáo sư đều trượt, dù khi trình hồ sơ xét duyệt người đó đang đương chức Bộ trưởng.

Nói điều này để nói Hội đồng làm việc độc lập, không chịu sự tác động của bất cứ ai. Vì thế, trong trường hợp Bộ trưởng Tiến, hồ sơ bà được xét duyệt vì còn thừa tiêu chuẩn giáo sư", GS Cam nhấn mạnh.

Được biết, Bộ trưởng Tiến tham gia giảng dạy tại Đại học Y Dược TP. HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn...

Đặc biệt, Bộ trưởng Tiến còn được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp. Người đứng đầu cơ quan quản lý y tế còn thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

"Ở Việt Nam chưa có nhà khoa học nào được mời thỉnh giảng 2 lần tại Đại học danh tiếng như Đại học Oxford, Anh. Bản thân trường Đại học này cũng xét duyệt hồ sơ rất kỹ trước khi mời cá nhân tham gia giảng dạy", GS Cam cho hay.

Đồng quan điểm, GS Đính cho biết, trước khi làm Viện trưởng Viện Paster TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Tiến là giáo vụ khoa Vệ sinh dịch tễ y tế công cộng, tiếp đến làm Viện trưởng rồi lên Thứ trưởng Bộ Y tế.

"Bộ trưởng Tiến có đủ tiêu chuẩn phong giáo sư hay không? Theo cá nhân tôi Bộ trưởng Y tế xứng đáng phong giáo sư. Điểm chấm hồ sơ của bà Tiến đạt 34 điểm. Hệ thống đánh giá chất lượng ứng viên được chuẩn hoá thành điểm, người đứng ngoài không hiểu. Số điểm này đã được thông qua con mắt đánh giá của hội đồng cấp ngành", GS Đính phát biểu với báo chí.

Hồ sơ giáo sư Bộ trưởng Tiến vượt tiêu chuẩn sao vẫn phải xem xét lại?

Theo chia sẻ của nhiều giáo sư có trách nhiệm , điểm số hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rất cao, thành tích tốt nên dư luận băn khoăn tại sao vận được đưa vào danh sách phải rà soát lạiì?

Về vấn đề này, GS. Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành Y cho biết trên VnExpress: Tôi nghĩ có lẽ là có 2 lý do. Một là bà Tiến là cán bộ quản lý thì phải xem xét kỹ hơn về tiêu chí thành tích xuất sắc. Thứ hai, trường hợp của Bộ trưởng Tiến cũng có những đơn khiếu nại. Với hai lý do đó, tôi nghĩ rằng, việc quyết định xem xét lại cũng là điều nên làm để cho rõ ràng hơn, minh bạch hơn.

Theo GS Khánh, dư luận cho rằng Bộ trưởng Tiến nhiều việc như vậy thì thời gian đâu mà nghiên cứu. Từ đó, dư luận hoài nghi về công việc thực của Bộ trưởng Tiến. 

"Đừng nghĩ Bộ trưởng trăm công nghìn việc thì không có thời gian làm nghiên cứu hay giảng dạy. Người lãnh đạo tốt, điều hành tốt có thể làm được", GS Khánh nói.

Tin mới lên