Diễn đàn VNF

Giáo sư Võ Tòng Xuân tái khẳng định quan điểm 'gộp Tết' từng gây tranh cãi

GS. TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, người 11 năm trước làm "nóng" dư luận khi đề xuất gộp tết Âm lịch với tết Dương lịch, vừa tái khẳng định quan điểm muốn "gộp Tết".

Giáo sư Võ Tòng Xuân tái khẳng định quan điểm 'gộp Tết' từng gây tranh cãi

GS Võ Tòng Xuân

Trả lời phỏng vấn TBKTSG, ông cho biết những người muốn gộp Tết không phải muốn bỏ Tết cổ truyền, mà là gom hai cái Tết (Dương lịch và Âm lịch) lại thành một.

Cách đây 11 năm, khi ông đề xuất lên Chính phủ, có rất nhiều ý kiến chống đối vì nhiều người lớn tuổi họ chờ những ngày Tết cổ truyền để tiến hành lễ hội do người ta không có những cái gì bức xúc để phải đi làm việc, trong khi đó, những người có công ăn việc làm, người ta không có nhiều thời gian để hưởng thụ cái Tết.

Theo Giáo sư Xuân, nếu coi kinh nghiệm của Nhật Bản, Tết Dương lịch họ cũng làm lớn như các nước khác. Nhưng, Tết Âm lịch, họ nghỉ trong 3 ngày và chỉ thực hiện những tục lệ còn thích hợp, chứ không kéo dài như Việt Nam.

"Việt Nam duy trì Tết Âm lịch, thì trước Tết khoảng mấy tuần mọi người cũng đã bận rộn lo Tết, rồi khi xong Tết kéo dài như vậy công việc bị dồn ứ. Thành ra, bây giờ nên gom hai cái Tết lại thành một và nên duy trì 3 ngày Tết Âm lịch để làm những thủ tục cổ truyền một cách gọn gàng, văn minh như cách gìn giữ những giá trị văn hóa", Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.

Xét về góc độ kinh tế, Giáo sư cho rằng nếu nhìn qua Hồng Kông hoặc Singapore, họ vừa ăn Tết tây vừa ăn Tết ta, nhưng họ cũng nghỉ có ba ngày thôi, "chứ đâu nghỉ quá nhiều như mình".

"Bên đó, nghỉ kéo dài họ sẽ bị đuổi việc vì họ làm công việc theo kiểu Tây phương. Còn mình, không ai đuổi, tức không có gì bắt buộc họ làm nhiều, trong khi ở những nơi người ta có công việc ổn định, thì buộc người ta nghỉ người ta cũng không nghỉ", ông phân tích.

Vẫn theo Giáo sư, Nhật Bản đã đổi ngày ăn Tết theo dương lịch từ năm 1873. Đất nước có tư duy dám đổi mới như thế cách đây 145 năm, thì tư duy đó mới làm được những việc lớn cho quốc gia phồn thịnh như ngày nay.

"Còn Việt Nam chúng ta chậm tiến, chậm giàu vì thiếu những tư duy dám đổi mới như thế. Nước ta đang có Chính phủ có tư duy đổi mới, hy vọng trong tương lai gần Nhà nước cũng thấy cần tăng cạnh tranh của người Việt Nam bằng cách sử dụng hiệu quả nhất thời gian của từng lao động", ông nói thêm.

Tin mới lên