Hoa Sen (HSG) rót tiếp vốn vào BĐS, tìm kiếm dự án 1.000 - 3.000 tỷ
Hải Đường -
27/12/2023 11:51 (GMT+7)
(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024.
Theo đó, Hoa Sen Sài Gòn dự kiến có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, bao gồm 40 tỷ đồng vốn góp của HSG và 60 tỷ đồng của các cổ đông sáng lập khác. Dù chỉ nắm 40% vốn, công ty này vẫn mang thương hiệu Hoa Sen.
Người đại diện cho phần vốn của HSG tại Hoa Sen Sài Gòn là ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT thường trực – điều hành của HSG. Ngành nghề kinh doanh chính của Hoa Sen Sài Gòn là kinh doanh bất động sản, kho bãi, dịch vụ lưu trú ngắn hạn, dịch vụ ăn uống, xây dựng nhà ở…
Theo HSG, việc góp vốn thành lập Hoa Sen Sài Gòn nhằm tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 – 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê, hoặc xem xét chuyển nhượng (nếu điều kiện phù hợp).
Trong số các công ty con, công ty liên kết của HSG, chỉ có 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty Cổ phần Hoa Sen Yên Bái (được thành lập năm 2016). Công ty này được HSG rót thêm vốn vào tháng 2/2023, nâng vốn điều lệ từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của HSG tại Hoa Sen Yên Bái là 95,962%.
Như vậy, HSG sắp có thêm 1 công ty liên kết trong lĩnh vực bất động sản. Trong quá khứ, HSG có nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản. Tập đoàn chính thức lấn sân sang lĩnh vực này từ năm 2009 bằng việc đầu tư vào dự án khu dân cư Điền Phúc Thành ở quận 9, TP. HCM.
Sau đó, HSG tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside. Năm 2011, HSG tuyên bố rút khỏi lĩnh vực bất động sản vì kinh doanh không được như kỳ vọng và sẽ tập trung vào hoạt động cốt lõi là thép.
Việc thành lập Hoa Sen Yên Bái cùng 3 công ty khác là Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn vào năm 2016 đánh dấu sự trở lại của HSG trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ngoại trừ Hoa Sen Yên Bái, 3 công ty còn lại đều đã bị giải thể.
Như vậy, việc rót thêm vốn vào Hoa Sen Yên Bái, thành lập Hoa Sen Sài Gòn có thể là dấu hiệu cho việc lấn sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản của HSG.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần niên độ tài chính 2022-2023 của HSG đạt hơn 31.650 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, giảm 88% so với mức thực hiện niên độ trước.
Niên độ 2022-2023, HSG lên 2 kế hoạch kinh doanh. Cụ thể, ở phương án 1, HSG dự kiến sản lượng mục tiêu đạt 1,52 triệu tấn, giảm 16% so với sản lượng của niên độ trước, bao gồm 1,4 triệu tấn thành phẩm và 152.000 tấn. Doanh thu mục tiêu đạt 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với doanh thu đạt được niên độ 2021-2022, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 60%, đạt 100 tỷ đồng.
Ở phương án 2, HSG dự kiến sản lượng cải thiện hơn ở mức 1,63 triệu tấn, tương đương giảm 10% so với mức thực hiện ở niên độ trước, bao gồm 1,5 triệu tấn thành phẩm và 130.000 tấn phụ phẩm. Doanh thu mục tiêu niên độ tài chính 2022-2023 dự kiến đạt 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 20%, đạt 300 tỷ đồng.
Theo kết quả kinh doanh đạt được trong niên độ 2022-2023, HSG không hoàn thành cả 2 phương án đã đề ra.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone