Hóa thạch khủng long: Thú sưu tầm tốn kém và gây tranh cãi

Quỳnh Anh - 17/08/2024 13:30 (GMT+7)

(VNF) - Khủng long, những sinh vật thống trị thời kỳ Jura, vẫn là nguồn cảm hứng vĩ đại cho Hollywood đến ngày nay. Sức hút của chúng lớn đến nỗi, dù hàng triệu năm trôi qua, mỗi phần xương hay hoá thạch của chúng vẫn có thể khiến người ta sẵn sàng chi hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD để sở hữu.

Khủng long xuất hiện trong phòng khách

Theo tờ RT News, bộ phim Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) năm 1993 của Steven Spielberg đã thúc đẩy thị trường hóa thạch khủng long phát triển mạnh mẽ.

Giai đoạn đầu đạt đỉnh vào năm 1997, khi bộ xương hóa thạch của một con khủng long bạo chúa T-rex dài 12m có tên Sue được bán đấu giá với mức giá kỷ lục 8,36 triệu USD cho Bảo tàng Field ở Chicago. Kể từ đó tới nay, sự hứng thú đối với hóa thạch của những sinh vật từng thống trị kỷ Jura chỉ tăng thêm chứ không hề giảm bớt.

Khi thị trường mua bán các bộ xương hóa thạch này ngày càng náo nhiệt, những nhà sưu tập hóa thạch tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều. Một số người là những nhà cổ sinh vật học chuyên nghiệp, một số khác sưu tầm hóa thạch để thoả mãn sở thích hoặc đơn thuần chỉ để sở hữu… một món đồ trang trí độc đáo.

Hóa thạch của khủng long và những sinh vật khổng lồ khác có thể xuất hiện trong một ngôi nhà hay văn phòng của một vị tỷ phú nào đó. Trong một ngôi nhà mùa hè ven sông ở Massachusetts, khiên và sừng hộp sọ của một con Triceratops (thuộc Chi khủng long ba sừng) được gắn trên tường, chào đón những vị khách ở tiền sảnh, và khung xương một con mosasaur (một loài thằn lằn biển khổng lồ) dài 5,2m treo trên trần phòng khách.

Ở Nam California, xương hóa thạch của một con Ichthyosaurus (Chi thằn lằn cá) khổng lồ tô điểm cho phòng tắm chính của một “ngôi nhà sưu tập”, bởi vì phòng khách đã đầy các loại hóa thạch.

Ở Dubai, một con Diplodocus (một loài khủng long ăn cỏ) dài 24,3m là điểm thu hút chính của một trung tâm mua sắm. Và ở Santa Barbara, California, một trong những hộp sọ Tyrannosaurus (thuộc Chi khủng long bạo chúa) đẹp nhất từng được tìm thấy, trưng bày ngay trong sảnh của một công ty phần mềm, “trừng mắt, nhe nanh” với nhân viên lễ tân ngồi ngay đối diện.

Nói về vấn đề này, chuyên gia cổ sinh vật học Iacopo Briano cho biết: “Trong những năm đầu, việc bán hoá thạch khủng long có thể có vẻ kỳ lạ, gần như là điều gì đó xa lạ với thú sưu tầm cổ điển. Nhưng ngày nay, thị trường đang trải qua giai đoạn trưởng thành và mở rộng, và các mẫu vật có phả hệ lâu đời ngày càng trở nên dễ tiếp cận với thế hệ người mua mới”.

Cái giá để sở hữu một bộ xương hóa thạch khủng long cũng tương tự như việc sở hữu một bức tranh nổi tiếng. Được biết, hóa thạch khủng long ăn cỏ có thể có giá từ 500.000 USD đến 1 triệu USD, còn hóa thạch khủng long ăn thịt như T-rex hay Velociraptor có giá từ 3-10 triệu USD.

Không ngại chi hàng chục triệu USD để sở hữu

Hàng năm, có khoảng 5 bộ xương khủng long thông qua các nhà đấu giá đến tay các nhà sưu tập tư nhân. Từ năm 2009, Samson, một trong những bộ xương T-rex hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy, dù không đạt tới mức giá khởi điểm tại một cuộc đấu giá ở Las Vegas, nhưng cuối cùng đã được bán trong các cuộc đàm phán sau đấu giá với giá khoảng 5 triệu USD. Hộp sọ của nó hiện đang nằm trong sảnh của một công ty phần mềm ở California.

Tháng 4/2018, nhà đấu giá Binoche et Giquello của Paris đã thu về hơn 1,4 triệu euro cho mỗi bộ xương của một con Diplodocus ăn cỏ và “quái dị long” Allosaurus. Trước đó, vào tháng 12/2016, bộ xương gần như hoàn chỉnh của một con Allosaurus đã được nhà đấu giá Aguttes bán ở Lyon (Pháp) với giá 1,1 triệu euro.

“Quán quân” về giá của hoá thạch khủng long từng được thiết lập vào năm 2020, với hóa thạch được cho là phần còn lại của một con khủng long bạo chúa có biệt danh Stan, được bán với giá 31,8 triệu USD.

Và mới đây, ngày 17/7, tỷ phú Ken Griffin, người sáng lập và giám đốc điều hành của quỹ đầu cơ Citadel, đã mua một bộ xương khủng long Stegosaurus cuối kỷ Jura gần như hoàn chỉnh với giá 44,6 triệu USD từ hãng đấu giá Sotheby’s. Đây được xem là bộ xương hóa thạch có giá trị nhất từng được bán đấu giá.

Mặc dù chi số tiền “trên trời” để “săn” khủng long dưới dạng hoá thạch, hầu hết những người mua sản phẩm này đều rất kín tiếng. Họ thậm chí không xuất hiện trực tiếp tại các buổi đấu giá mà chỉ thực hiện uỷ quyền, khiến việc tìm ra một chủ nhân thực sự của một bộ xương khủng long được đấu giá không hề dễ dàng.

Số ít những nhân vật được biết đến là có hứng thú với “bộ môn” này, có thể kể tới tỷ phú Citadel Ken Griffin, hay 2 diễn viên nổi tiếng là Leonardo DiCaprio, Nicolas Cage và Russell Crowe.

Năm 2013, hộp sọ 67 triệu năm tuổi của một con khủng long bạo chúa bataar do Nicolas Cage mua đã trở thành tâm điểm của một cuộc điều tra về buôn lậu. Được biết, ông Cage đã mua nó tại một cuộc đấu giá ở California, đánh bại tài tử DiCaprio với mức giá 276.000 USD. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng hộp sọ này được lấy từ Eric Prokopi, một “nhà cổ sinh vật học thương mại” tự nhận, người trước đó đã nhận tội nhập khẩu hóa thạch bất hợp pháp từ Mông Cổ và Trung Quốc. Cuối cùng, chiếc hộp sọ khủng long đã được trả lại cho phía Mông Cổ.

Diễn viên người Úc Russell Crowe gần đây đã tổ chức một cuộc đấu giá lớn sau khi ly hôn với Danielle Spencer. Trong số các mặt hàng được đấu giá, có hóa thạch của một loài bò sát biển khổng lồ, một con Mosasaur với giá khoảng 40.000 USD và khiến nhiều người nghĩ rằng ông Crowe có một số ít hóa thạch khác trong nhà.

Thú vui gây tranh cãi

Khi cơn sốt này ngày càng lan rộng, các nhà đấu giá và phòng trưng bày như Aguttes, Christie’s và Sotheby’s thường xuyên mua khá nhiều hóa thạch khủng long cho những người sưu tầm giàu có. Tuy nhiên, xét trên góc độ lịch sử và bảo tồn, nhiều nhà khoa học cho biết hành động này cũng có thể gây hại cho cộng đồng khoa học.

Một trong những lý do được đưa ra là những nhà sưu tập tư nhân có xu hướng giữ bí mật về hóa thạch riêng của họ, làm giảm cơ hội nghiên cứu về loài sinh vật cổ xưa này.

Ông Lawrence Witmer, một nhà cổ sinh vật học và giáo sư tại Đại học Ohio, cho biết. “Khi các bộ xương hoá thạch rơi vào tay một cá nhân, chúng có thể biến mất, và chúng ta có thể không bao giờ có thể nghiên cứu chúng một cách khoa học”.

Do người mua hóa thạch tại cuộc đấu giá không bắt buộc phải công khai danh tính hoặc tuyên bố mục đích sử dụng, vì vậy nhiều bộ xương khủng long hoàn chỉnh nhất thế giới đã rơi vào trạng thái không thể truy tìm được.

Dù không ai biết con số cụ thể, nhưng ông Thomas Carr, một nhà cổ sinh vật học tại Cao đẳng Carthage ở Wisconsin, cho rằng có ít nhất 15 bộ xương T-rex trong tay các nhà sưu tập tư nhân. Trong số đó, có một vài bộ hoá thạch quan trọng đối với nghiên cứu của riêng ông về cách các loài khủng long bạo chúa phát triển khi chúng già đi. “Đây là lượng hóa thạch đáng kể có thể thực sự lấp đầy những khoảng trống trong kiến thức của chúng ta về T-rex”, ông Carr nói.

Trong khi đó, các bảo tàng và trường đại học, những nơi thường không đủ khả năng chi trả cho các cuộc đấu giá, cũng lo ngại rằng các chủ sở hữu tư nhân sẽ không bảo quản đúng cách các món đồ họ mua.

Cùng chuyên mục
Tin khác