Ngân hàng

Hơn 20 quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến kế hoạch tăng vốn của BIDV

(VNF) - Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của BIDV đã thông qua kế hoạch tăng thêm 9.400 tỷ đồng vốn điều lệ. Với số vốn dự kiến tăng này, tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của BIDV sẽ đạt 43.638 tỷ đồng , tăng 28% so với thời điểm cuối năm 2017.

Hơn 20 quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến kế hoạch tăng vốn của BIDV

Hệ số CAR của BIDV theo chuẩn Basel II đã rất sát ngưỡng

Tại ĐHĐCĐ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức chiều 21/4, ông Phan Đức Tú,  Tổng giám đốc BIDV cho biết việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch tăng vốn tự có tổng thể của BIDV nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, việc tăng vốn là để hướng tới đáp ứng thông lệ quốc tế Basel II, đặc biệt trong điều kiện khối lượng phát hành trái phiếu tăng vốn để tính vốn tự có bị giới hạn bởi quy mô vốn cấp 1 theo quy định.

Khi tăng vốn điều lệ, BIDV cũng sẽ cải thiện được kết quả xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế. Từ đó, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Trước đó, từ năm 2017, BIDV cũng đã có những phương án tăng vốn nhưng không thành.

"Trong vài năm trở lại đây, BIDV đã đưa ra một số phương án như chi cổ tức bằng cổ phiếu, đề nghị Bộ Tài chính dành tiền để tăng vốn nhưng không được đồng ý, thứ hai là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước, nhưng với năng lực của nhà đầu tư trong nước thì phương án này không được quan tâm nhiều", ông Phan Đức Tú nói.

"Phương án khả thi nhất là phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều năm qua chúng tôi rất nỗ lực tìm nhà đầu tư nhưng chưa đạt hiệu quả", ông Tú cho biết thêm.

Một cổ đông đặt câu hỏi: "Vừa qua có thông tin trên thị trường rằng có một ngân hàng Hàn Quốc muốn mua cổ phần BIDV, thông tin này có chính xác không? Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu ngân hàng hay không?".

Ông Phan Đức Tú trả lời: "Hiện có hơn 20 quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến BIDV. Trong đó, có 1 nhà đầu tư có tiềm năng và quan tâm sâu hơn muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược. Từ tháng 4/2017 đến nay, hai bên đã có nhiều cuộc gặp gỡ, khảo sát thực tế, hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật".

Hiện nay, BIDV đã có 3 phương thức nhằm thực hiện việc tăng vốn từ mức 34.187 tỷ đồng lên 43.638 tỷ đồng.

Thứ nhất, BIDV sẽ chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ hơn 170,9 triệu cổ phiếu (tương đương 5% vốn điều lệ). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2018-2019.

Thứ hai, BIDV phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 603,3 triệu cổ phiếu.

Thứ ba, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động là 170,9 triệu cổ phiếu (tương đương 5% vốn điều lệ).

"Chúng ta đã hoàn thiện sơ bộ thỏa thuận, hợp đồng. Đang trình các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét quyết định, sau đó sẽ xem xét mức giá kỳ vọng và ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, HĐQT vẫn phải lấy ý kiến cổ đông một lần nữa thông qua khi ký kết thỏa thuận chính thức", ông Phan Đức Tú nói.

Liên quan đến vấn đề nhân sự, một cổ đông hỏi "Ghế Chủ tịch ngân hàng có thông tin gì mới không?".

Ông Phan Đức Tú trả lời: "Theo quy định, đại hội bầu thành viên HĐQT, hôm nay bầu được thêm anh Phạm Quang Tùng, nâng số thành viên HĐQT lên 9 người".

"HĐQT sẽ bầu 1 người giữ quyền Chủ tịch, đây là việc đã được lượng trước. Đối với ông Trần Anh Tuấn, khi ông Tuấn nghỉ hưu thì sẽ có một người thay quyền thực hiện quyền của Chủ tịch BIDV, chúng tôi sẽ công bố thông tin vào lúc đó".

Trả lời chất vấn của cổ đông về hoạt động kinh doanh của BIDV từ đầu năm đến nay, Tổng giám đốc Phan Đức Tú cho biết: "Tính đến 20/4, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 2,3%, huy động tăng 5,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.700 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm 2018, các chỉ số đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước".

Cũng theo ông Tú thì: "Con số tăng trưởng tín dụng tuy có khiêm tốn nhưng phù hợp với tình hình thực tại, năm nay NHNN cho phép BIDV tăng trưởng tín dụng 14%, nếu có thể chúng tôi sẽ xin lên 17%".

Tin mới lên