Hơn 96.000 vụ án bị tạm đình chỉ, nguy cơ bỏ lọt tội phạm

Xuân Hải - 04/11/2019 14:25 (GMT+7)

(VNF) - Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra vấn đề đáng lo ngại là số lượng các vụ án tạm đình chỉ điều tra trong năm 2019 tăng tới 2.115 vụ, khiến lũy kế số vụ án tạm đình chỉ lên tới 96.800 vụ.

VNF
Ảnh minh họa

Chính phủ đã có báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 (từ 1/10/2018 đến 30/9/2019).

Theo báo cáo, công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78% (cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%).

Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn. Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực, qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018.

Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn.

Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm.

Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được kết quả rõ nét, trong đó đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn (trên 6 tấn ma túy tổng hợp).

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện, triệt phá nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các vụ lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng Chính phủ vẫn thừa nhận tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, trong đó có cả hoạt động khủng bố manh động.

Không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá.

Số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; tội phạm xâm hại trẻ em trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động “tín dụng đen”... 

Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công vẫn còn tồn taiuj, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; lĩnh vực thuế, hải quan; lĩnh vực đầu tư, xây dựng; lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; lĩnh vực công thương; lĩnh vực y tế; lĩnh vực giáo dục; lĩnh vực bảo vệ môi trường còn diễn ra phức tạp.

Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động mạnh, lợi dung Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba, số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng gây áp lực lớn làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tội phạm, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng...

Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn kẽ hở cho tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả chưa cao;

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra (87,4%/90%); một số loại tội phạm xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp; việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe; còn xảy ra một số vi phạm trong hoạt động điều tra.

Thẩm tra báo cáo trên của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác điều tra xử lý tội phạm.

Cụ thể, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mới đạt 87,4%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội; còn 2.261 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết.

Trong kỳ báo cáo, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã yêu cầu hủy bỏ 160 quyết định trái pháp luật của cơ quan điều tra và đã ban hành 1.258 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm

Theo Ủy ban Tư pháp, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến Viện kiểm sát nhân dân các cấp không phê chuẩn 111 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 172 quyết định gia hạn tạm giữ, 256 lệnh tạm giam, 156 lệnh bắt bị can để tạm giam. Số người bị tạm giữ hình sự sau phải trả tự do, không xử lý hình sự còn tới 1.256 người.

Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế. Năm 2019, còn để xảy ra một số trường hợp bị khởi tố oan.

Đáng lưu ý, Ủy ban Tư pháp cho hay số lượng các vụ án tạm đình chỉ điều tra trong năm 2019 vẫn tăng tới 2.115 vụ.

“Đây là vấn đề lớn, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị qua nhiều năm nhưng số vụ tạm đình chỉ không những không giảm mà tiếp tục tăng lên qua các năm, cho tới nay còn tới 96.800 vụ án bị tạm đình chỉ, trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, đề nghị Chính phủ có giải pháp để xử lý tình trạng này”, Ủy ban Tư pháp yêu cầu.

Cùng chuyên mục
Tin khác