HoREA kiến nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện luật để chống 'đấu giá cuội, quân xanh, quân đỏ'
Bảo Duy -
14/09/2021 10:52 (GMT+7)
(VNF) - HoREA kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản và cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá để phòng chống các hiện tượng như: thông đồng “đấu giá cuội, quân xanh, quân đỏ” trong tổ chức thực hiện đấu giá.
Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có một số kiến nghị liên quan đến việc thẩm định và đấu giá đất.
Về đấu giá đất, theo HoREA, pháp luật về đất đai quy định áp dụng các phương pháp định giá đất phù hợp nhằm xác định “giá đất cụ thể” để làm “giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất”. Nhưng trên thực tế, có trường hợp xác định “giá đất cụ thể” để làm “giá khởi điểm đấu giá” chưa đảm bảo được nguyên tắc của Luật Đất đai 2013 (quy định việc định giá đất phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”).
Nêu dẫn chứng, HoREA cho biết năm 2014, TP. HCM tổ chức đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1, diện tích 3.000 m2, giá đất theo bảng giá đất là 55 triệu đồng/m2, giá khởi điểm đấu giá 550 tỷ đồng (183,3 triệu đồng/m2 gấp 3,3 lần giá đất của bảng giá đất). Đã có 14 nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia đấu giá; sau 16 vòng đấu, giá trúng đấu giá 1.430 tỷ đồng (476,6 triệu đồng/m2), gấp 2,6 lần giá khởi điểm đấu giá và đơn giá mét vuông gấp 8,65 lần đơn giá mét vuông đất theo bảng giá đất, thu thêm cho ngân sách thành phố 910 tỷ đồng.
"Cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn là điển hình đấu giá minh bạch và thành công mỹ mãn”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh. Tuy nhiên ông Châu cũng nhận xét, các phương pháp xác định giá đất quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP chưa thật hoàn thiện cần phải được tiếp tục xây dựng lại.
Theo đó, hiệp hội này chỉ ra một số bất cập về công tác tổ chức đấu giá và công tác định giá, thẩm định giá tài sản bảo đảm tại TP. HCM.
HoREA cho hay từ năm 2011 đến tháng 03/2017, Trung tâm dịch vụ dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM đã tổ chức 215 cuộc đấu giá, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm 1.256 tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm.
Số liệu thống kê trên đây đã cho thấy phần lớn tài sản công đã đưa ra đấu giá trong giai đoạn 2011-2017 tại TP. HCM có giá trị không lớn. Cụ thể, trong 215 cuộc đấu giá, chỉ có 1 cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn là lớn nhất, chiếm 32% tổng giá trị trúng đấu giá.
Đáng lưu ý là giá trúng đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn gấp 2,6 lần giá khởi điểm đấu giá, so với giá trúng đấu giá bình quân của 215 cuộc đấu giá (bao gồm cả mặt bằng 23 Lê Duẩn) chỉ gấp 1,39 lần giá khởi điểm đấu giá.
HoREA nhận định, thực hiện đấu giá tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá rộng rãi, công khai, để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực là phương thức đúng đắn và hiệu quả, giúp xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo bán tài sản quyền sử dụng đất theo giá thị trường, đạt hiệu quả cao, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Vì vậy, hiệp hội này kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản và cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá để khắc phục một số biểu hiện “tiêu cực, bất cập” trong tổ chức đấu giá tài sản tại một số địa phương, nhất là tài sản có giá trị lớn như bất động sản, để phòng, chống, khắc phục các hiện tượng như: thông đồng “đấu giá cuội, quân xanh, quân đỏ” trong tổ chức thực hiện đấu giá; hiện tượng phần tử xấu ngoài xã hội tác động vào quá trình tổ chức thực hiện đấu giá.
Cùng với đó là khắc phục những “bất cập” về áp dụng các phương pháp định giá đất, thẩm định giá đất của các tổ chức tư vấn thẩm định giá, để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định “giá khởi điểm đấu giá”; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động của cơ quan tổ chức thực hiện đấu giá các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng là bất động sản để phòng, chống tiêu cực, không làm thất thoát tài sản nhà nước, thất thu ngân sách nhà nước.
'Bất cập' trong khâu định giá
Liên quan đến một số “bất cập” trong khâu định giá, thẩm định giá tài sản bảo đảm là bất động sản, HoREA cho biết trong điều kiện thị trường bất động sản bình thường, đa số người có tài sản thế chấp thường được ngân hàng nhận thế chấp định giá bằng khoảng 60% giá trị thật và được cho vay bằng khoảng 60% giá trị tài sản được định giá.
Trong điều kiện thị trường bất động sản bị khủng hoảng, tài sản thế chấp chỉ được định giá bằng khoảng 45-50% giá trị; khoản cho vay bằng 60% giá trị tài sản được định giá. Với cách định giá tài sản bảo đảm nêu trên của các tổ chức tín dụng thì người vay tiền có “rủi ro” bị thiệt hại rất lớn.
Chủ tịch HoREA cũng chỉ ra trong những năm trước đây có hiện tượng doanh nghiệp thuộc “nhóm thân hữu, sân sau, sở hữu chéo” của ngân hàng được định “vống” giá trị tài sản bảo đảm để được vay nhiều hơn, thậm chí không có tài sản bảo đảm vẫn được vay tín dụng, kéo theo “rủi ro” lớn cho tổ chức tín dụng.
Do đó, HoREA kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì xem xét xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về định giá, thẩm định giá tài sản bảo đảm là bất động sản phù hợp với giá thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các ngân hàng thương mại và chủ tài sản thế chấp.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone