Hứng chịu loạt trừng phạt, kinh tế Nga vẫn chứng minh được 'sức đề kháng'

Thanh Tú - 18/08/2018 14:54 (GMT+7)

(VNF) - Hệ thống tài chính của Nga đang dần ổn định và đã chứng minh được “sức đề kháng” của mình trước một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.

VNF
Hứng chịu loạt trừng phạt, kinh tế Nga vẫn phát tín hiệu khả quan.

Theo số liệu của Rosstat, GDP của Nga tăng trưởng 1,8% trong quý II năm nay, tăng so với con số 1,3% được ghi nhận trong quý trước đó. Ngân hàng trung ương Nga cho biết thặng dư thương mại tháng Sáu của nước này tăng mạnh 78% so với cùng kỳ năm ngoái lên 15,5 tỷ USD.

Ngân hàng trung ương Nga hồi tháng Bảy cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế quý II của Nga từ 1-1,4% lên 1,8-2,2%, nhờ sự góp sức của việc đăng cai tổ chức vòng chung kết Giái bóng đá vô địch thế giới (World Cup) 2018.

Theo thông cáo báo chí của cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch, cơ quan này vẫn duy trì xếp hạng của Nga ở cấp độ "BBB-" với triển vọng tích cực sau khi sửa đổi. Các chuyên gia lưu ý đến bảng cân đối mạnh mẽ, tài chính bên ngoài nhiều hy vọng và chính sách kinh tế vĩ mô đáng tin cậy của Nga.

Fitch cũng hy vọng rằng tăng trưởng GDP của Nga vào cuối năm nay sẽ đạt 1,8%. Các nhà phân tích cảnh báo, đến năm 2019, con số này sẽ chậm lại, còn 1,5%.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/10 mới đây xác nhận nước này sẽ triển khai các lệnh trừng phạt mới với Nga sau khi cáo buộc Moscow sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công nhằm vào cha con cựu điệp viên Sergei Skripal hồi đầu tháng 3 tại Anh.

Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ hiện còn đang cân nhắc một dự luật kiềm chế các hoạt động của các ngân hàng Nga có chi nhánh tại Mỹ.

Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay nước này đã giảm tới mức tối thiểu và sẽ tiếp tục giảm thêm đầu tư của mình vào nền kinh tế Mỹ, vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, Nga sẽ thúc đẩy giao thương bằng đồng ruble cùng các đồng tiền khác như euro và giảm sử dụng đồng USD trong thanh toán.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính Mỹ, tính từ tháng 3 đến tháng 5, Nga đã giảm sở hữu đến 84% trái phiếu chính phủ Mỹ, tương đương chỉ còn sở hữu 14,9 tỉ USD giá trị trái phiếu thay vì 96,1 tỉ USD như trước đó.

Quyết định bán trái phiếu kho bạc Mỹ của Nga dự kiến không gây ảnh hưởng lớn vì kể cả khi đạt đỉnh điểm ở mức 105,7 tỷ USD hồi tháng 11/2017, Nga vẫn chỉ xếp thứ 15 trong danh sách chủ nợ của Mỹ, sau Trung Quốc và Nhật.

Từ tháng 3/2014, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, New Zealand, Iceland và một số nước khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga sau cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine.

Những lệnh trừng phạt này chủ yếu tác động đến các ngân hàng, công ty năng lượng và quốc phòng nước này nhằm phong tỏa xuất khẩu quân sự của Nga sang châu Âu.

Đồng thời, các lệnh trừng phạt cũng hạn chế các doanh nghiệp tài chính của Nga xâm nhập vào thị trường tư bản EU, hạn chế việc Nga có được các dịch vụ và công nghệ nhạy cảm liên quan tới lĩnh vực thăm dò, khai thác và sản xuất dầu mỏ.

Thêm vào đó, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể của Nga với lý do "gây tổn hại hoặc nguy hiểm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine".

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 150 cá nhân và 38 thực thể của Nga nằm trong danh sách này. Và các biện pháp trừng phạt thường xuyên được gia hạn 6 tháng/lần.

Mới đây, ngày 9/7, Liên minh châu Âu đã thông báo quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa.

Xem thêm >> Tiếp đón nồng nhiệt bà Thái Anh Văn, 85D Bakery Café bị tẩy chay tại Trung Quốc

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác