IMF: Các lệnh trừng phạt Nga có thể làm đồng USD mất thế thống trị

Quỳnh Anh - 01/04/2022 14:14 (GMT+7)

(VNF) - Theo bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các biện pháp trừng phạt tài chính áp đặt lên Nga có thể làm loãng dần sự thống trị của đồng USD và dẫn đến phân mảnh hệ thống tiền tệ quốc tế.

VNF
Bà Gita Gopinath, Cố vấn Kinh tế kiêm Giám đốc Ban Nghiên cứu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chia sẻ với Financial Times hôm 31/3, quan chức này cho rằng các biện pháp hạn chế triệt để mà các nước phương Tây áp đặt sau khi Nga khởi động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine có thể góp phần làm xuất hiện các khối tiền tệ nhỏ dựa trên thương mại giữa các nhóm quốc gia nhất định.

“Chúng tôi đã thấy điều đó với việc một số quốc gia đàm phán lại loại tiền tệ mà họ được thanh toán cho giao dịch”, bà Gita cho biết.

Theo bà Gita, đồng USD sẽ vẫn là loại tiền tệ quan trọng, nhưng sự phân mảnh hệ thống tài chính toàn cầu sẽ khiến loại tiền tệ này mất đi vị trí thống trị vốn có. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc sử dụng các loại tiền tệ khác nhiều hơn trong thương mại toàn cầu sẽ dẫn đến đa dạng hóa hơn nữa tài sản dự trữ do các ngân hàng trung ương quốc gia nắm giữ.

Những nhận xét của đại diện IMF hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Bởi lẽ, từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2, việc Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt với Moscow đã khiến nước này thúc đẩy việc phát triển các hệ thống thanh toán không dùng USD với các quốc gia khác như Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngoài việc khiến cho đồng USD dễ mất vị thế thống trị, Phó Giám đốc IMF cũng cho rằng cuộc chiến cũng sẽ thúc đẩy việc áp dụng tài chính kỹ thuật số, từ tiền điện tử đến stablecoin và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.

Trước đó, bà Gita đã từng phát biểu rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ không khiến đồng USD sụp đổ và cuộc chiến tại Ukraine sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng sẽ không gây ra suy thoái.

Trong một diễn biến liên quan, Nga hiện đang thúc đẩy sử dụng đồng ruble trong các giao dịch với các quốc gia nước ngoài, bước đầu là trong việc thanh toán hoá đơn khí đốt.

Quốc gia này đã yêu cầu các nước “không thân thiện”, bao gồm các quốc gia Liên minh châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble kể từ ngày 1/4, nếu không sẽ cắt nguồn khí đốt, bất chấp sự phản đối của khối EU.

Điện Kremlin cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng ngoài khí đốt, phía Nga đang lên kế hoạch lập danh sách các mặt hàng xuất khẩu khác cũng sẽ được chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble, nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây khiến đồng tiền chủ quyền của Nga mất giá.

Xem thêm >> IMF: Kinh tế Ukraine có thể suy thoái trầm trọng trong ngắn hạn

Theo Tass, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác